Phun thuốc diệt muỗi phòng trừ sốt xuất huyết vẫn còn theo kiểu được chăng hay chớ

Hoàng Bảo| 22/10/2019 08:44

Tính đến ngày 29/9, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 4.482 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 8/8 huyện, thị xã; trong đó đã có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 19,8 lần và tử vong tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Vậy nhưng, công tác tuyên truyền cũng như phun thuốc diệt muỗi phòng trừ SXH vẫn còn những hạn chế.

ADQuảng cáo

Khi trên địa bàn phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) có một trường hợp tử vong vì SXH, ngay ngày hôm sau, cán bộ y tế đã đi đến các gia đình trong khu vực có nguy cơ SXH cao để nhắc nhở, tuyên truyền vận động người dân không đựng nước trong các vật dụng không có nắp che đậy, diệt loăng quăng. Cũng dịp này, cán bộ y tế đã thông báo cho người dân về thời gian tiến hành phun thuốc diệt muỗi để phòng trừ muỗi gây bệnh.

Vậy nhưng, không biết vì lý do gì mà ngày hôm sau, cán bộ y tế không đến phun thuốc như thông báo và đến nay đã gần cả tháng, việc phun thuốc vẫn chưa được triển khai. Theo chị Nguyễn Thị Oanh ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung, khi được thông báo, gia đình chị đã cho người ở nhà để đoàn y tế đến là mở cửa để vào phun thuốc. Thế nhưng, cả ngày hôm đó, nhà chị không thấy ai đến phun, cũng không thông tin gì cả.

Trước khi có trường hợp tử vong vì SXH, tổ dân phố 4 cũng có trường hợp bị SXH. Lần này, cán bộ y tế vẫn đi phun thuốc theo lịch trình thông báo, nhưng nhà thì phun nhà thì không. Có nhà mặc dù mở cửa từ sáng sớm vì sợ đóng cửa đoàn đến gọi không nghe, nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai vào phun thuốc. Có trường hợp, nghe tiếng nói chuyện bên ngoài, chủ nhà ra hỏi sao không phun thuốc nhà mình thì một cán bộ nữ nói nhà đóng cửa, gọi mãi không ai trả lời (?).

ADQuảng cáo

Chưa kể, việc phun thuốc này cũng chỉ dừng lại ở hình thức. Được biết, mỗi khi khu dân cư có người bị SXH, ngay lập tức, người dân lên báo cáo cho trạm y tế phường để xuống phun thuốc phòng bệnh hoặc tuyên truyền cho người dân nhằm tránh lây lan ra diện rộng. Vậy nhưng, tại một số địa phương, mặc dù người dân lên thông báo, nhưng chẳng thấy cán bộ y tế nào đến để phun thuốc hay tuyên truyền, dẫn đến trường hợp có gia đình cả nhà đều bị SXH.

Chị Đỗ Thị Tâm ở phường Nghĩa Trung cho biết: Chồng tôi bị SXH cách đây khoảng 2 tháng, tôi đã lên báo cho y tế phường biết, nhưng không thấy cán bộ y tế nào đến tuyên truyền, hướng dẫn hay phun thuốc diệt muỗi để phòng lây nhiễm cho người khác. Trong khi đó, nhà tôi bán quán ăn, khách ra vào đông, nên nhiều lúc cứ nhắc chú ý muỗi để phòng lây bệnh.  

Qua tìm hiểu được biết, biện pháp phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh SXH có tác dụng tức thì, nên chỉ phun vào những đợt cao điểm để tiêu diệt nhanh muỗi gây bệnh. Theo thống kê, lũy tích từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 121 ổ dịch SXH, tăng 99 ổ dịch và tăng 31 xã có ghi nhận ổ dịch so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương có ổ dịch SXH nhiều là Cư Jút 34 ổ dịch; Krông Nô 19 ổ dịch; thị xã Gia Nghĩa 18 ổ dịch; Đắk Song 16 ổ dịch; Đắk Glong 12 ổ dịch; Đắk Mil 11 ổ dịch; Đắk R’lấp 8 ổ dịch và Tuy Đức 3 ổ dịch. Hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 47 ổ dịch SXH.

Vậy nhưng, việc một số đơn vị y tế thực hiện việc phun thuốc theo kiểu hình thức, được chăng hay chớ như thế này không những không hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng mà còn làm giảm niềm tin của người dân vào ngành y tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phun thuốc diệt muỗi phòng trừ sốt xuất huyết vẫn còn theo kiểu được chăng hay chớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO