Niềm tin về đạo đức nhà giáo

Bình Minh| 11/04/2018 09:36

Dư luận xã hội những ngày gần đây đang nóng lên với một số vụ việc trong ngành giáo dục. Một cô giáo dạy THPT ở TP. Hồ Chí Minh trong 3 tháng liền lên lớp chỉ ghi bài giảng lên bảng cho học sinh tự học chứ không giảng bài, không nói với học sinh... Sự việc chỉ được phát hiện khi một học sinh đã dũng cảm đứng ra nói lên sự thật.

ADQuảng cáo

Tiếp đó, ngày 3/4 vừa qua, 42 học sinh lớp 6A3 Trường THCS và THPT Trần Đề ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bị thầy hiệu trưởng phạt đứng ngoài hành lang suốt hơn 2 giờ đồng hồ vì gây ồn ào, khiến một số em bị mệt phải đưa vào phòng y tế của trường để chăm sóc.

Mới nhất, vào ngày 5/4, dư luận lại bức xúc khi cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5, Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng.

Qua các vụ việc trên, ở một góc độ nào đó cho thấy, phương pháp giáo dục bị lệch chuẩn và tư duy giáo dục lạc hậu của hàng chục năm về trước vẫn tồn tại, thời mà không ít giáo viên mặc sức đánh đòn đau hay dùng hình phạt nặng nề với học sinh. Tư duy giáo dục ấy tồn tại trong bối cảnh xã hội hiện đại văn minh và ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới, phát triển, quyền trẻ em nói chung và quyền con người nói riêng ngày càng được coi trọng. Cách thức giáo dục lạc hậu cần phải được phê phán và sớm loại bỏ. Trong bối cảnh ấy, khi học sinh dũng cảm nói lên sự thật với mong muốn cải thiện việc dạy và học tốt hơn, cô trò gắn bó yêu thương nhau hơn… rất đáng được khuyến khích. Thế mà hành động này lại hứng chịu sự đả kích từ một số người.  

ADQuảng cáo

Mặc dù các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Và các giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng đã lên tiếng xin lỗi học sinh, gia đình. Tuy thế, dư luận vẫn lo ngại về sự tồn tại một bộ phận đội ngũ giáo viên thiếu đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Các chuyên gia đã chỉ ra căn nguyên của vấn đề này, đó là việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống trong nhà trường chưa được coi trọng, thậm chí sa sút. Một góc độ khác là do xử lý các vụ việc còn chưa nghiêm dẫn đến tình trạng "nhờn thuốc". Vì vậy, để chấn chỉnh, ngành giáo dục cần tăng cường ngay công tác giáo dục đạo đức nhà giáo, đồng thời xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở các nhà giáo: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Hy vọng rằng những vụ việc nêu trên chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" và sẽ được chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để trong toàn ngành giáo dục. Đó là cách tốt nhất nhằm giữ gìn cái nhìn tích cực về nghề giáo và lòng tin của xã hội vào đạo đức nghề giáo không bị “xói mòn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin về đạo đức nhà giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO