Nghiêm cấm "có ý kiến khác" với doanh nghiệp

Tường Mạnh| 20/07/2018 09:51

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động về phát triển kinh tế tư nhân là khâu đột phá trong năm 2018. Trong đó, tỉnh xác định, phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành một động lực, khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.

ADQuảng cáo

Đáng chú ý, để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển, cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng và được hỗ trợ, tiếp cận mọi nguồn lực, tỉnh nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước. Trong đó, tỉnh đặc biệt nghiêm cấm các sở, ngành, địa phương có ý kiến khác với doanh nghiệp sau khi lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp hoặc tổ chức. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành thì cơ quan chủ trì tổng hợp ý kiến, trình UBND tỉnh và đề xuất phương án giải quyết.

Có thể nói, trong thời gian qua, tỉnh luôn nhấn mạnh quan điểm, doanh nghiệp là động lực phát triển của tỉnh Đắk Nông. Bởi vì, trong bối cảnh của một tỉnh còn nhiều khó khăn, việc huy động toàn bộ lực lượng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội luôn là một vấn đề hết sức cần thiết.

Thực tế, trước đây, UBND tỉnh và một số ngành chức năng cũng đã công khai cam kết về việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tùy vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình, các ngành chức năng tỉnh phải thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo

Vì vậy, trong kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân, một lần nữa, tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao hiệu quả hoạt động, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh và phát triển. Tất cả các doanh nghiệp đều phải được bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực về vốn, tài nguyên, đất đai và đầu tư kinh doanh. Cơ quan chức năng không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều đáng nói nữa, cùng với chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức được phân công giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp, người dân, nhất là tại các đơn vị có chức năng kiểm tra, thanh tra như cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, thanh tra…Các cuộc thanh tra, kiểm tra, khảo sát phải hạn chế tối đa và phải nhằm vào việc hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Với việc nghiêm cấm các sở, ngành, địa phương có ý kiến khác với doanh nghiệp cho thấy, tỉnh tiếp tục nâng "cấp độ" nghiêm khắc, nhằm kiên quyết xóa bỏ tình trạng “trên thoáng dưới chưa thông” hoặc “trên bảo dưới không nghe” lâu nay vẫn còn diễn ra ở nơi này nơi nọ. Trong đó, cùng với tăng cường thanh tra công vụ, tỉnh cũng sẽ kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, có thái độ quan liêu, sách nhiễu, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm cấm "có ý kiến khác" với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO