“Nâng tầm” cây bơ

Tường Mạnh| 29/06/2018 08:26

Trong thời điểm này, tỉnh Đắk Nông đang tập trung xúc tiến các bước chuẩn bị cần thiết để tổ chức thành công Chương trình “Đắk Nông-Mùa bơ chín” dự kiến sẽ diễn ra từ 18-23/7 tới, với nhiều hoạt động nổi bật.

ADQuảng cáo

Một sự kiện lần đầu tiên được tỉnh tổ chức, nhằm tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu  bơ trong và ngoài nước.

Có thể nói, từ một loại cây ăn quả ít có “tên tuổi” trong cơ cấu các loại cây trồng của tỉnh, giờ đây, với việc tổ chức chương trình, cây bơ đã thật sự được tôn vinh và “lên ngôi”. Bởi vì, mặc dù đã có mặt ở vùng đất Đắk Nông từ nhiều năm qua, nhưng lâu nay, người dân chủ yếu trồng bơ làm hàng rào, cây che bóng mát và trái bơ chỉ để dùng ăn trong nhà hoặc đem bán ở chợ quanh vùng. Chỉ đến những năm gần đây, trái bơ dần trở thành một trong những quả có giá trị kinh tế cao, giá cả cũng tăng theo từng mùa.

Do vậy, các hộ nông dân trong tỉnh có xu hướng mở rộng diện tích bơ, với nhiều giống bơ cho quả ngon, chất lượng, năng suất cao. Đặc biệt, bơ của Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, bởi giá trị dinh dưỡng cao, được xem là loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được.

Tuy nhiên, theo nhận định của tỉnh, mặc dù có lợi thế lớn, nhưng giá trị hàng hóa của quả bơ còn thấp, do còn hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, tình trạng trồng tự phát, không theo quy hoạch, quy trình sản xuất chưa bảo đảm, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy cập nguồn gốc xuất xứ…

ADQuảng cáo

Từ thực tế đó, vấn đề phát triển bơ bền vững, không để xảy ra tình trạng “trồng theo phong trào”, nhất là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm bơ là điều quan trọng nhất. Vì vậy, để “nâng tầm” cho cây bơ, tỉnh thực sự vẫn còn rất nhiều chuyện để làm trong thời gian đến.

Điều đáng mừng, vào giữa tháng 3/2018, tại chuyến thăm New Zealand, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên: Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao để phát huy tiềm năng lợi thế của cây bơ. Phải nói rằng, việc ký kết thỏa thuận nói trên đã mở ra một hướng đi đầy triển vọng, nói một cách khác là “nâng tầm” cho cây bơ và sản phẩm bơ của Đắk Nông.

Theo thông tin của ngành chức năng, thông qua thỏa thuận hợp tác được ký kết, các đối tác sẽ tiến hành nghiên cứu, chọn lọc giống bơ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, nhất là những giống bơ đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Cùng với việc xây dựng một số mô hình thử nghiệm, tìm những vùng đất có điều kiện thích hợp để nhân rộng, phát triển những giống bơ có giá trị cao, các đối tác cũng cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm bơ.

Đáng nói nữa, các đối tác sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, lựa chọn, đầu tư phát triển cây bơ tại tỉnh Đắk Nông. Qua đó, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn giống bơ chất lượng, mang lại năng suất và hiệu quả sản xuất cao. Về phía tỉnh cũng sẽ chú trọng hình thành các chuỗi giá trị, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra những sản phẩm bơ giá trị có sức cạnh tranh trên thị trường.

Cây bơ được “nâng tầm”, có vị thế trên thương trường, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần xứng đáng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân là điều kỳ vọng của cả lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và nông dân Đắk Nông. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, việc xác định chiến lược, tầm nhìn, các hướng đi một cách bài bản cho cây bơ là điều hết sức cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp và cả nông dân Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nâng tầm” cây bơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO