Mơ ước cao tốc cho Tây Nguyên

Tường Mạnh| 01/11/2018 09:38

Ngày 27/10 mới đây, phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Võ Đình Tín cho rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhưng đến nay ở Tây Nguyên kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều khó khăn và tụt hậu so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy, để tạo động lực vùng Tây Nguyên phát triển và tiệm cận với các vùng miền khác trong cả nước, Chính phủ cần quan tâm đến một số vấn đề.

ADQuảng cáo

Trong đó, theo đại biểu Võ Đình Tín, về hạ tầng giao thông, Chính phủ cần quan tâm nâng cấp và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ; trước mắt, đầu tư nâng cấp quốc lộ 27, quốc lộ 28 từ Đắk Lắk, Đắk Nông đi Lâm Đồng và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Đặc biệt, Chính phủ cần có định hướng xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với TP.Hồ Chí Minh; lập lộ trình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ Đắk Nông đến cảng Kê Gà-Bình Thuận và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Phát biểu của đại biểu Võ Đình Tín tại diễn đàn Quốc hội đã nói lên được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chính quyền, người dân Tây Nguyên và hy vọng Quốc hội, Chính phủ sẽ quan tâm, lưu ý đến ý kiến này. Bởi vì, trong xu thế, yêu cầu phát triển chung, việc có một tuyến cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên không phải là điều viển vông, không tưởng mà cần phải được tính toán một cách nghiêm túc, nhất là vì tương lai lâu dài. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vấn đề giao thông luôn được họ quan tâm, chú trọng đầu tiên khi tính toán đến việc đầu tư vào một khu vực, vùng đất nào đó thì việc có tuyến cao tốc là điều hết sức cần thiết.

Còn nhớ tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa tỉnh Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2004-2009, tổ chức ở thị xã Gia Nghĩa, nhiều doanh nghiệp của thành phố đã có ý kiến tỏ ra quan ngại về kết cấu hạ tầng của tỉnh Đắk Nông còn quá yếu kém. Họ cho rằng, mặc dù rất muốn đến Đắk Nông để tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng do đường sá, nhất là quốc lộ 14 hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nên không dám đến nữa, vì không những mất nhiều thời gian mà còn tốn kém quá nhiều chi phí vận chuyển.

ADQuảng cáo

Có doanh nghiệp nói thẳng: Dẫu biết rằng việc hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với Đắk Nông không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tình cảm và sự gắn bó, nhưng tuyến đường từ thành phố lên Tây Nguyên bị hư hỏng nặng thì doanh nghiệp sẽ nản lòng. Nói gì thì nói, nếu “lộ có thông thì tài mới phát”, nghĩa là đường sá đàng hoàng, đi lại thuận tiện chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm đến đầu tư, làm ăn, các bên có cơ hội “phát tài”. 

Quả thật, nhiều năm trước đây, việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung chưa thực sự khởi sắc, một phần cũng là do quốc lộ 14 xuống cấp. Vì vậy, khi tuyến quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh chính thức hoàn thành, thông tuyến và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2015 thực sự là một niềm vui, phấn khởi lớn đối với các tỉnh Tây Nguyên, nhất là Đắk Nông. Tuyến quốc lộ 14 dài hơn 600 km, từ Kon Tum đến Chơn Thành (Bình Phước) chạy qua tỉnh Đắk Nông được ví như “dải lụa của Tây Nguyên”, thật sự mở ra nhiều cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên khai thác tiềm năng và thu hút các nhà đầu tư.

Không thể phủ nhận tuyến quốc lộ 14 hiện tạo động lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Tây Nguyên. Thế nhưng, trên suốt cung đường vẫn còn nhiều đoạn đèo dốc, quanh co, khúc khuỷu, những chiếc xe tải chở hàng hóa nặng nề lắm lúc phải “bò như rùa”. Rõ ràng, tuyến đường mới chỉ “đẹp” đối với những chiếc ô tô cỡ nhỏ, còn những ô tô tải cỡ lớn, chở các loại hàng hóa cần thiết phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh lưu thông giữa các vùng miền thì vẫn chưa thật sự “ngon lành” cho lắm.

Vì vậy, chính quyền, người dân Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung hoàn toàn có quyền mơ ước trong một tương lai không xa sẽ có một tuyến cao tốc xuyên suốt Tây Nguyên. Nếu có thêm tuyến cao tốc, không chỉ thuận tiện trong giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tiếp tục mở ra rất nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hút đầu tư từ các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài vào địa bàn Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mơ ước cao tốc cho Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO