Liên kết để bớt... thiệt thòi

Đức Diệu| 08/05/2018 08:37

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, theo chuỗi giá trị trong sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay, người nông dân trực tiếp một nắng hai sương làm ra sản phẩm chỉ hưởng lợi chưa đến 20% giá trị sản phẩm. Số giá trị còn lại do các thương lái, đại lý thu mua, chế biến và khâu lưu thông hưởng lợi.

ADQuảng cáo

Cái đáng buồn hơn, chính người trực tiếp sản xuất hiện nay dường như vẫn đang phải “đơn thương, độc mã” chứ chưa thực sự có những cái “bắt tay” hợp tác chặt chẽ để làm chủ thế cuộc trong mọi biến động của thị trường.

Còn nhớ thời điểm đầu năm 2017, giá heo hơi đang ở ngưỡng “vàng”, bỗng chốc quay đầu lao dốc không phanh khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng. Điều đáng nói, biên độ của giá heo lần này không chỉ giảm nhanh, và sâu từ 40 đến 42 ngàn đồng/kg heo hơi xuống còn 24 đến 26 ngàn đồng/1kg heo hơi mà còn duy trì giá thấp kỷ lục này trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường thịt heo thương phẩm trên địa bàn theo ghi nhận của chúng tôi vào thời điểm đó vẫn cứ “bình chân như vại”. Thậm chí, sau gần 4 tháng giá heo hơi giảm mạnh, thị trường thịt heo thương phẩm mới bắt đầu “đủng đỉnh” giảm giá nhưng cũng chỉ từ 2 ngàn đồng đến 8 ngàn đồng/1kg thịt heo thương phẩm. Mãi đến khi người tiêu dùng phản ứng bằng việc tự mổ heo tiêu thụ, để vừa “giải cứu” người chăn nuôi, vừa “giải cứu” chính người tiêu dùng thì thịt heo thương phẩm trên các chợ đầu mối, siêu thị mới bắt đầu có động thái giảm giá tương ứng.

ADQuảng cáo

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cám, tưởng chừng trước khó khăn của người nông dân, họ có những chính sách giảm giá, gia hạn thời gian thanh toán khi người nông dân mua hàng nhưng không hề. Giá cám vào thời điểm heo giảm giá sâu kỷ lục vẫn "cố thủ" ở mức cao. Chủ đại lý và nhà phân phối còn tuyệt nhiên không cho chủ trương gối đầu hay gia hạn nợ vì sợ người chăn nuôi thua lỗ “bỏ của chạy lấy người”. Và rồi, trong lúc người chăn nuôi khốn đốn thì các thương lái, đại lý buôn bán heo thành phẩm lại có dịp “ăn nên làm ra” vì chênh lệch giá heo hơi và heo thương phẩm quá lớn.

Còn trong lần giá heo hơi hồi phục lại vào đầu tháng 4/2018 này, người chăn nuôi chưa vội mừng vì xuất chuồng những lứa heo được giá thì ngay lập tức phải đối mặt với nhiều mặt hàng đầu vào tăng giá tương ứng. Thịt heo thương phẩm trên thị trường cũng ngay lập tức tăng giá với mức tăng bình quân 10 ngàn đồng/kg. Việc tăng giá khá đột ngột này đã khiến người tiêu dùng có phản ứng tự nhiên bằng việc giảm lượng mua khiến lượng tiêu thụ sản phẩm này giảm mạnh.

Giá cám từ đầu tháng 4 đến nay đã có 3 lần tăng giá, mỗi lần tăng từ 4 đến 5 ngàn/1 bao 25 kg, lần tăng gần đây nhất là 6 đến 8 ngàn 1 bao/25 kg, tùy vào từng loại cám. Giải thích cho sự tăng giá này, các công ty cung cấp cám viện dẫn là do giá đầu vào như xăng dầu, thuế nhập khẩu bắp… tăng nên phải tăng giá đầu ra. Tuy nhiên, ở góc độ người chăn nuôi, họ cũng có quyền đặt ra câu hỏi là không hiểu sao, giá heo vừa tăng lên được tý, thì giá cám lập tức tăng liên tục?

Không chỉ ở chuyện con heo, con gà mà ngay cả nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của chúng ta hiện nay cũng đang rơi vào tình cảnh “ăn may, đoán mò” chứ chưa có được những thông tin dự báo, khuyến cáo hay can thiệp kiểu trọng tài trung gian khi bị chịu thiệt thòi do giá cả lên xuống. Từ đây, hình thức liên kết chuỗi để xác định rõ giá trị hưởng lợi trong từng khâu sản xuất chính là vấn đề đã và đang được một số nông dân hướng tới nhằm tìm cho mình vị thế nhất định trong quá trình sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để bớt... thiệt thòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO