Khắc phục và làm rõ trách nhiệm

Bình Minh| 23/01/2019 10:15

Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước sạch “đắp chiếu” không sử dụng được, phát biểu thảo luận tại tổ 1 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (khóa XI) mới đây, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải thanh tra toàn diện các dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh để có giải pháp khắc phục và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

ADQuảng cáo

Được biết, trong những năm qua, Đắk Nông được nhà nước đầu tư trên 233 tỷ đồng xây dựng 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để phục vụ cho hơn 25.000 hộ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Qua kiểm tra, toàn tỉnh hiện chỉ có 103 công trình hoạt động cấp nước tập trung hoạt động bình thường, còn lại 127 công trình ngưng hoạt động, bỏ hoang suốt nhiều năm qua.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng trước hết là nhiều công trình do các địa phương đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ quản lý, vận hành. Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì các công trình cấp nước được đầu tư từ nhiều nguồn của dự án, do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, nhiều đơn vị không hề có chuyên môn, đầu tư không bảo đảm quy trình, đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Một số công trình cấp nước khác không thu tiền nước nên không có chi phí bảo trì; một số chưa làm tốt việc đánh giá chất lượng nguồn nước khi lập dự án đầu tư, khi đầu tư không có hạng mục xử lý nước, do đó xảy ra tình trạng chất lượng nguồn nước không bảo đảm.

ADQuảng cáo

Một thực tế khác là lâu nay, trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cấp nước nông thôn tập trung đã được giao cho đơn vị quản lý công trình và UBND cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, khả năng cân đối, bố trí ngân sách của các địa phương còn rất hạn chế, không đủ để thực hiện việc sửa chữa.

Bàn về giải pháp khắc phục, các cơ quan liên quan cho rằng, trước mắt, các địa phương cần có kế hoạch bàn giao lại một số công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn về cho các Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, thành lập các hợp tác xã, tổ quản lý khai thác hiệu quả các công trình cấp nước tập trung ở các huyện, thị xã… Các cơ quan chuyên môn nhanh chóng kiểm tra, thống kê cụ thể về tình trạng hư hỏng tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để có kế hoạch đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hoạt động các công trình; đồng thời, chủ động chuyển đổi mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư nhưng các công trình không phát huy hiệu quả, đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Trong khi hằng ngày, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh từ sông, suối để sinh hoạt. Dư luận cho rằng đã đến lúc phải kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan và quan trọng hơn nữa là triển khai kịp thời các giải pháp để phát huy các công trình phúc lợi này phục vụ lợi ích chính đáng của Nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục và làm rõ trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO