Hiểu về văn hóa lễ chùa

Bình Minh| 31/01/2018 09:38

Ngày rằm, mồng một theo lịch âm hằng tháng, cũng như nhiều người, gia đình tôi thỉnh thoảng cũng đi lễ chùa để cầu an, cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đi chùa lễ Phật là chuyện tự do tín ngưỡng và đã trở thành tập tục đẹp của người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa văn hóa của nét đẹp tâm linh này.

ADQuảng cáo

Đi lễ chùa, chứng kiến không ít chuyện mà hệ lụy của vấn đề này có lẽ do nhiều người đi lễ theo kiểu “phong trào” mà chưa hiểu hết về văn hóa này. Có thể xuất phát từ quan niệm rằng, ở chùa bất cứ thứ gì cũng linh thiêng nên thắp hương cúng vái khắp nơi. Nhiều bạn trẻ sau khi nhận hương miễn phí từ nhà chùa đã ra ngoài vườn thắp hương, cúng vài từng gốc cây, hòn đá, bức tường, chậu cây cảnh, cổng chùa…Tình trạng hương được thắp quá nhiều đã khiến chùa mù mịt trong khói gây ô nhiễm nơi cửa Phật. Ấy là chưa nói đến vấn đề không ít người “thản nhiên” ăn mặc hở hang không phù hợp với nơi tôn nghiêm của cửa Phật nhưng vẫn đi lễ chùa.

Về lễ nghi nơi cửa Phật, không phải ai khi đi lễ chùa cũng hiểu hết, thậm chí ở góc độ nào đó còn làm méo mó, sai lệch đi ý nghĩa của việc đi chùa. Một số người có quan niệm rằng sắm lễ càng lớn thì sẽ nhận được càng nhiều phúc lộc, may mắn. Nhiều người vẫn còn thói quen để tiền lẻ trên các bàn thờ, tay Phật. Việc này khiến nơi thờ cúng mất đi sự tôn nghiêm, không thể hiện được sự thành kính, hoặc đơn giản là số tiền đó dễ bị thất lạc, không được sử dụng đúng mục đích. Người dân đi lễ chùa thì số tiền công đức ít hay nhiều cũng không quá quan trọng, miễn sao giữ tâm trong sáng là được. Phật dạy tất cả mọi thứ đều có luật nhân quả, gieo nhân tốt thì sẽ gặp quả lành, khi đi chùa thì miễn sao tâm thành, còn lễ vật thì tùy theo khả năng của bản thân, miễn sao bản thân thấy thanh thảnh đến chùa lễ Phật.

ADQuảng cáo

Còn việc phóng sinh đầu năm, nhiều người cho rằng chỉ nên phóng sinh chim, cá mà không nên phóng sinh những con vật khác... Những quan niệm xem ra không đúng với giáo lý đạo Phật. Phóng sinh vốn là một nghi thức được nhiều người dân thực hiện vào những ngày đầu năm mới để cầu cho lòng thanh thản và gia đình an bình. Nhưng việc phóng sinh như thế nào mới đúng thì không phải ai cũng biết. Việc phóng sinh các loài thú vật theo như giáo lý của Phật giáo là không mưu cầu tài lộc, may mắn mà chỉ đơn giản là mở lòng thương yêu với muôn loài chúng sinh. Vậy nên, việc thả chim hay thả cá, thả lươn, ốc không hề quan trọng, quan trọng là ở lòng thành, sự thành tâm của người phóng sinh mà thôi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phật là biểu tượng cho những giá trị cao đẹp của con người. Phật không có phép màu để biến người xấu thành tốt, biến khổ thành vui. Chỉ con người tự mình rèn luyện và nhận thức mới giác ngộ được. Điều quan trọng nhất của phong tục đi lễ chùa vẫn là “Phật tại Tâm”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu về văn hóa lễ chùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO