Đùn đẩy trách nhiệm

Tường Mạnh| 22/11/2018 08:36

Lâu nay, trong các báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ hàng tháng, UBND tỉnh cũng thường xuyên nhắc nhở, trong quá trình xử lý công việc, nơi này, nơi nọ vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là “trên bảo dưới không nghe”.

ADQuảng cáo

Nhiều vấn đề được giao cho các sở, ngành, địa phương chủ trì, tham mưu, xử lý, nhưng vẫn chưa được chủ động giải quyết theo chức năng, thẩm quyền. Mặt khác, trách nhiệm phối hợp, tham gia giải quyết công việc giữa các đơn vị vẫn chưa cao, còn đùn đẩy cho nhau.

Từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc của UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021. Quy chế làm việc gồm 10 chương, 50 điều quy định về nguyên tắc làm việc; chế độ trách nhiệm; quan hệ công tác; cách thức, quy trình giải quyết công việc của UBND tỉnh, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Điểm đáng chú ý trong Quy chế làm việc là đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm. Nếu nhiệm vụ giao cho sở, cơ quan, UBND cấp huyện thì giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm. Căn cứ Quy chế làm việc, Sở Nội vụ cũng xây dựng tiêu chí phát động thi đua hàng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện và chấm điểm thi đua một cách rõ ràng, cụ thể, sát đúng. Do đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm triển khai cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của mình, bảo đảm sao cho ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Quan điểm của UBND tỉnh là quản lý công việc, con người theo quy chế làm việc, làm sao phải rạch ròi, công khai, minh bạch, đáp ứng công việc chung một cách nhanh chóng, phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả. Vì vậy, điều mà UBND tỉnh mong muốn nhất, đó là các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải thật sự phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ và phục vụ nhân dân đạt hiệu quả cao nhất.

Năm 2018 sắp kết thúc, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được chắc chắn sẽ vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế cần phải khắc phục, bảo đảm cho sự phát triển của tỉnh. Mặt khác, trong bối cảnh của một tỉnh còn nghèo, gặp nhiều khó khăn, cần phải luôn có những nỗ lực vượt bậc hơn nữa thì đòi hỏi chúng ta không thể sớm thỏa mãn với những kết quả đạt được. Vì vậy, cùng với thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế, các cấp, các ngành phải biến quyết tâm thành hành động, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành để phù hợp với tình hình, bảo đảm kịp thời, linh hoạt hiệu quả và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải soát xét lại nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, nỗ lực tư duy, có sự hiến kế một cách hiệu quả, chứ không để bị nhắc nhở là “đùn đẩy trách nhiệm cho tỉnh”. Đây là vấn đề hết sức cần thiết, không phải chỉ vì chuyện riêng của mỗi ngành, mỗi cấp mà còn vì cái lớn hơn đó là sự phát triển của tỉnh, sự đòi hỏi của cuộc sống, của nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đùn đẩy trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO