Công điện và yêu cầu trách nhiệm

Tường Mạnh| 19/10/2018 08:10

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công điện số 05/CĐ-UBND gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng về việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra phá rừng. Rõ ràng, vấn đề phải thực sự nóng và đang trong tình trạng khẩn cấp như thế nào thì UBND tỉnh mới phải ban hành công điện.

ADQuảng cáo

Theo công điện của tỉnh, trong thời gian qua, công tác ngăn chặn phá rừng đã được các đơn vị liên quan quyết liệt chỉ đạo, tập trung ngăn chặn, xử lý, nên đạt được một số kết quả nhất định. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 344 vụ phá rừng, gây thiệt hại 123,4 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2017, đã giảm 23 vụ vi phạm và giảm 94,1 ha về diện tích thiệt hại. Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc kiểm tra, ngăn chặn các vụ phá rừng; khi xảy ra phá rừng đã kịp thời khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm công chức kiểm lâm có liên quan.

Tuy nhiên, công điện cũng nêu rõ, tình hình phá rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ cao. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra với đặc điểm có dấu hiệu lách các quy định của pháp luật như các vụ phá rừng hầu hết có diện tích nhỏ, không phát hiện được đối tượng vi phạm... Để xảy ra phá rừng, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng, nhưng việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các chủ rừng chưa chủ động, còn chậm, phải có văn bản chỉ đạo mới thực hiện.

ADQuảng cáo

Có thể nói, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tình hình phá rừng lấy đất sản xuất, tranh chấp đất lâm nghiệp còn xảy ra phức tạp, chưa được ngăn chặn kịp thời đã trở thành “điệp khúc” lâu nay và trong các báo cáo của tỉnh luôn nhấn mạnh đến nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân khách quan, tỉnh cũng đã thẳng thắn khẳng định, về chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa cao. Các ngành, các cấp chưa chấp hành nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức bộ máy các công ty lâm nghiệp còn bất cập, hoạt động kém hiệu quả kéo dài nhiều năm không được xử lý. Trách nhiệm của cán bộ quản lý trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai (công ty lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương) còn buông lỏng.

Để khắc phục tình trạng trên, trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu, tất cả các vụ phá rừng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các đơn vị liên quan và việc kiểm điểm, khắc phục hậu quả phải thực hiện quyết liệt, kịp thời. Đặc biệt, đối với các đơn vị chủ rừng, khi phát hiện phá rừng trên lâm phần quản lý, trong vòng 7 ngày làm việc phải chủ động, khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật.

Văn bản chỉ đạo của tỉnh về ngăn chặn tình trạng phá rừng và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan lâu nay đã được ban hành rất nhiều và với công điện mới đây cũng không nằm ngoài mục đích đó. Vì vậy, điều quan trọng nhất là đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng cần phải có trách nhiệm chấp hành, thực thi công điện, bằng sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công điện và yêu cầu trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO