Báo cáo và sự trung thực

Bình Minh| 27/11/2019 09:09

Vừa qua, việc Bộ Tư pháp, đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo số liệu liên quan đến ô nhiễm môi trường không khí thủ đô Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV hiện nay đang diễn ra, đã lấy số liệu được công bố trên báo chí từ cuối năm 2005 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khiến dư luận bất bình về sự tắc trách của đơn vị làm báo cáo.

ADQuảng cáo

Nhiều ý kiến cho rằng, một cơ quan hiểu biết nhất về pháp luật mà làm thiếu chặt chẽ như vậy là việc tắc trách và cần phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Nguyên nhân dẫn đến "nhầm lẫn" tai hại này, theo Bộ Tư pháp là do khi thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên-Môi trường và của UBND TP. Hà Nội gửi đến Bộ không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên cán bộ soạn thảo đã tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí.

Mặc dù Bộ Tư pháp đã lên tiếng đính chính về số liệu nhưng Quốc hội cho rằng, môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Việc không trung thực trong báo cáo số liệu ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến chiến lược, kế sách phát triển kinh tế, xã hội.

Tại Đắk Nông, tình trạng làm báo cáo không đúng hoặc không thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị cũng đã xảy ra ở một số nơi. Mới đây, Thanh tra tỉnh đã có thông báo kết luận thanh tra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (Cư Jút). Đáng chú ý là Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm kê rừng năm 2014 đã thống kê, báo cáo không đúng với thực tế.

ADQuảng cáo

Cụ thể, diện tích rừng tại doanh nghiệp này đã giảm 256,53 ha so với thời điểm kiểm kê, nhưng vẫn không được điều chỉnh ra khỏi báo cáo. Báo cáo này sau đó được Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả kiểm kê đối với diện tích đất, rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil quản lý tại Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 14/1/2015 dẫn đến hệ quả là không chính xác.

Ngoài ra, việc kế thừa kiểm kê rừng trong đề án sắp xếp, đổi mới đối với doanh nghiệp này và phương án sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt cũng không đúng với thực tế. Báo cáo không đúng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh không chỉ ảnh hưởng lớn đến các chính sách của UBND tỉnh mà còn gây thiệt hại về nguồn lực đầu tư của Nhà nước suốt thời gian qua.

Cũng liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, trong một thời gian dài, số liệu trong báo cáo thống kê về diện tích rừng bị phá, số vụ phá rừng giữa Cục Thống kê tỉnh và ngành Nông nghiệp tỉnh không thống nhất với nhau. Trong đó, số liệu về diện tích rừng bị phá, số vụ phá rừng của Cục Thống kê tỉnh chênh nhiều hơn so với báo cáo của ngành Nông nghiệp. Không biết, số liệu của bên nào chính xác nhất, nhưng sự việc này sau đó UBND tỉnh đã phải chỉ đạo hai cơ quan này tính toán, thống nhất về mặt con số tạo điều kiện để tỉnh chỉ đạo các biện pháp, giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các địa bàn.  

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị sắp chuẩn bị làm báo cáo cuối năm. Trong báo cáo, tất nhiên không thể thiếu số liệu vì đây là dữ liệu định lượng để đối sánh, đánh giá hoạt động của đơn vị; đồng thời là cơ sở hoạch định chiến lược phát triển cả ngắn hạn lẫn lâu dài. Tuy nhiên, những số liệu báo cáo sát thực tế tới mức nào thì không dễ xác định. Khắc phục, xử lý căn bệnh này không dễ nhưng không phải là không thể. Việc tạo ra những con - số - biết - nói - thật không chỉ là yêu cầu, đòi hỏi của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách mà còn là đòi hỏi của thực tế khách quan và của mỗi người dân, tránh tình trạng gây hoài nghi, mất lòng tin của cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và các tầng lớp Nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo và sự trung thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO