Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam

Nguyễn Hồng (t.h)| 21/06/2021 09:38

Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước nhà, ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam.

ADQuảng cáo

Lịch sử hình thành

Ngày 4/4/1949, theo đề nghị của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường dạy làm báo được mở ở chiến khu Việt Bắc. Ngôi trường dạy làm báo chuyên nghiệp đầu tiên của nước ta được Bác Hồ đặt theo tên vị lão thành yêu nước, nhà viết báo lâu năm Huỳnh Thúc Kháng.

Lớp học đầu tiên diễn ra trong 3 tháng, gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về, đã được nhiều đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn đích thân giảng dạy.

Trong số những giảng viên của trường có những tên tuổi lớn của lịch sử Việt Nam như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Quang Đạm…

Tái hiện lớp học Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Những lời dặn dò, hướng dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ADQuảng cáo

Tuy chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng các học viên đã lĩnh hội một chương trình kiến thức đồ sộ gồm 3 phần lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc dạy và học làm báo tại trường, trong 3 tháng khóa học diễn ra, Người đã hai lần gửi thư động viên, dạy bảo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên...

rong thư có đoạn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!". Ngày 6/7/1949, trường tổ chức lễ bế giảng, đích thân Bác Hồ đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh muốn viết báo thì cần: “Gần gũi quần chúng, còn cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của họ; khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa một người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến…”. Những lời dặn dò của Bác Hồ với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình cho mọi giáo trình dạy làm báo cho tới tận ngày nay.

Lớp đào tạo đặc biệt đầu tiên về báo chí

Về chuyên môn, các loại phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, hài hước, châm biếm, biên dịch, cách soạn tin, rồi đến thơ ca, nhạc, kịch, họa, tiểu thuyết, tùy bút…; cách trình bày một tờ báo cho đến cách tổ chức tòa soạn, nhà in, trị sự, những kinh nghiệm nhà nghề đều được nêu ra. Về thực hành, thi viết các loại phóng sự, điều tra, phỏng vấn. Lớp học có máy in có phòng phát tin tức hàng ngày. Nhiều tòa soạn được tổ chức, nhiều tờ báo ra đời, các học viên thi nhau, nội dung hay, hình thức đẹp, đưa bài đến nhà in sớm, sửa chữa, không sai lầm trước khi báo lên khuôn. Với chương trình ấy, thời gian học tập phải hàng năm. Thế nhưng trong vòng ba tháng, chương trình học tập được tổ chức đầy đủ.

Những “viên gạch” đầu tiên của nền báo chí cách mạng

Từ mái trường tranh tre nứa lá giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân), Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu quốc), nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như… Không ít trong số họ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Đội ngũ 43 học viên và 29 giảng viên của trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển và trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam suốt những năm qua; mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử báo chí Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO