Trường đại học đầu tiên của Việt Nam

Nguyễn Hồng (t.h)| 19/11/2021 08:47

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam, là di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, nơi chứa đựng những giá trị tinh hoa văn hóa, giáo dục của những giai đoạn lịch sử phong kiến và lưu giữ những giá trị truyền thống của đất Việt.

ADQuảng cáo

Theo dòng lịch sử

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử, Chu Công và các nhà hiền triết Nho giáo khác. Ngoài việc thờ phụng, Văn Miếu còn là nơi dạy học cho thái tử Lý Càn Đức (sau này là vua Lý Nhân Tông, con trai của vua Lý Thánh Tông). Năm 1076, nhà vua cho xây dựng thêm Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để dạy học cho các thái tử và con cái của quan lại trong triều đình. Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông cho phép các sĩ tử tài giỏi trên cả nước đến đây để học.

Đến đời vua Trần Nhân Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng). Khi ông mất, vua cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 1484, Bia Tiến Sĩ được xây dựng để khắc tên những vị tiến sĩ đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Kiến trúc độc đáo, hài hòa với thiên nhiên

Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm hai khu chính là Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu là khu vực thờ các bậc tiên thánh và Khổng Tử (551 – 479 TCN) một bậc hiền triết, Tiên sư của đạo Nho Trung Quốc. Quốc Tử Giám là trường học quốc gia đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là nơi thờ Chu Văn An người thầy giáo tiêu biểu, mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.

ADQuảng cáo

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là ngôi trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể di tích độc đáo với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên, hồ nước, vườn cây với kiến trúc các công trình. Các công trình kiến trúc tại Văn Miếu hầu hết đều mang giá trị nghệ thuật và lịch sử. Tiêu biểu trong số đó là Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805 đời vua Gia Long. Toàn bộ di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bằng gạch vồ xây bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian, mỗi lớp lại có những công trình kiến trúc khác nhau.

Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu

Văn Miếu – Quốc Tử Giám lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ được coi là Bảo vật Quốc gia. Đây được xem là một trong những di sản văn hóa vô cùng quý giá, là những tư liệu bằng đá của cha ông để lại.  82 tấm bia Tiến sĩ được chia đều hai bên, mỗi bên 41 tấm bia đối xứng nhau qua giếng Thiên Quang Tỉnh. 82 bia đá tương ứng với 82 khoa thi (tính từ năm 1484 đến 1780). Đây là những tấm bia đầu tiên của Việt Nam ghi danh các vị đỗ đại khoa trong mỗi kỳ thi. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật, được thực hiện bởi bàn tay, khối óc của những người thợ tài hoa trong suốt thời gian gần 300 năm.

Với giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt như vậy, ngày 27/7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Trong mỗi hành trình tìm hiểu về thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, nơi đây còn được vinh dự giới thiệu với các nguyên thủ quốc gia mỗi khi tới thăm Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường đại học đầu tiên của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO