Thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ

Phan Tân| 05/05/2017 10:14

Đến thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, ngoài tham quan các di tích lịch sử, gắn liền với những chiến công lừng lẫy, du khách không thể bỏ qua Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

ADQuảng cáo

Với kiến trúc hình chiếc mũ nan có mắc lưới, giống như chiếc mũ chiến trường của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các hiện vật được chia làm 4 nội dung: Chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ tháng 9/1945 đến tháng 9/1953; Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Điện Biên Phủ; Tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế giới.

Qua hình ảnh, hiện vật và theo lời thuyết minh của chị Hoàng Thị Mỵ, hướng dẫn viên của Bảo tàng, chuyện về những năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta được tái hiện sống động. Từ chuyện tiếp tế lương thực cho chiến dịch, chuyện mở đường để quân ta kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, đến những quyết sách quan trọng trong chiến dịch... Rồi những câu chuyện về Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, quê Thanh Hóa lấy thân mình chèn pháo với câu nói nổi tiếng “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo”; liệt sĩ Bế Văn Đàn, quê Cao Bằng lấy thân mình làm giá súng; liệt sĩ Phan Đình Giót, quê Hà Tĩnh lấy thân mình lấp lỗ châu mai; liệt sĩ Trần Can, quê ở Nghệ An, trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên trận địa... khiến bao người xúc động.

Chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm ở tỉnh Thanh Hóa với 1 phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực.

ADQuảng cáo

Bảo tàng cũng dành nhiều không gian để tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ bằng nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu... sinh động. Trong phòng tôn vinh còn có di ảnh của 26 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hình ảnh 5 đại đoàn quân chủ lực và lực lượng thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến với Bảo tàng, du khách còn nhận thức sâu sắc hơn bởi những hiện vật, kỷ vật minh chứng cho sự “thần kỳ” mà quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Bằng những vũ khí, phương tiện thô sơ nhưng đã đánh bại vũ khí, phương tiện tối tân của thực dân Pháp trong trong trận quyết chiến chiến lược. Trong đó, ấn tượng nhất là chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm ở tỉnh Thanh Hóa, với một phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, cụ Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường. Điều này một lần nữa khẳng định, ngoài sự tài tình, lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của mỗi người lính Bộ đội Cụ Hồ, sức mạnh tình yêu quê hương đất nước, khát khao độc lập dân tộc, nghị lực, tất cả cho tiền tuyến trong mỗi người dân Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ…

Một điều đáng quý là nhiều hiện vật trưng bày tại Bảo tàng được các cựu chiến binh Điện Biên Phủ hiến tặng hiện vật, kỷ vật, tư liệu liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Thông qua những hiện vật, hình ảnh chân thực, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ tái hiện sinh động chiến dịch qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non...” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954 mà còn giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa,  giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO