Sử thi của người Bar Na ở Gia Lai

Nguyễn Hồng (t.h)| 07/08/2020 08:47

Sử thi của người Bar Na được người dân gọi là hơmon, là hình thức sinh hoạt dân gian lưu truyền theo cách hát kể truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác.

ADQuảng cáo

Hơmon là một phần bản sắc của người Bar Na, phản ánh lịch sử, xã hội, tri thức bản địa, tâm tư, nguyện vọng… của cộng đồng; là bức tranh toàn cảnh về quá khứ, trong đó lý giải những hiện tượng tự nhiên và xã hội như: sự hình thành trời đất và con người, tái hiện lại những cuộc chiến tranh, mô tả lại những phong tục tập quán của tộc người. Người diễn xướng sử thi là nông dân, các già làng lớn tuổi có trí nhớ và chất giọng đặc biệt; họ có thể hát kể trong nhiều giờ, hát từ đêm này qua đêm khác với nhiều câu chuyện nối tiếp nhau trong niềm đam mê kỳ lạ.

Một đêm hát kể sử thi ở làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kông Chro (Gia Lai)

Hơmon gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại của buôn làng Tây Nguyên nói chung, người Bar Na nói riêng như Diông, Dư, Dăm Noi… Hơmon thường được chia thành nhiều khúc, đoạn, hợp lại thành một sử thi hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể tách rời, giữ vị trí tương đối độc lập. Sự hình thành và thực hành hơmon trải qua một quá trình lâu dài, trong đó hoạt động sáng tạo của người hát kể hơmon đóng vai trò quan trọng. Họ là người am hiểu sâu sắc về cộng đồng, văn hóa của dân tộc mình và có trí nhớ tuyệt vời để hát kể những câu chuyện sử thi kéo dài nhiều đêm. Nội dung cơ bản xuyên suốt trong mỗi tác phẩm hơmon bao gồm ba sự kiện của người anh hùng: lấy vợ, lao động và đánh giặc (nhiệm vụ trung tâm).

ADQuảng cáo

Người hát kể hơmon thực hiện việc trình diễn tác phẩm không theo một lễ thức hay lịch tiết nhất định mà tùy hứng. Có thể diễn xướng tại nhà, vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy hay những dịp lễ hội trong năm, hoặc trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy sau những ngày lao động vất vả.

Trong xã hội đương đại, hơmon vẫn đang tồn tại trong đời sống cộng đồng như một nhu cầu về văn hóa, xã hội, giải trí, và là môi trường nuôi dưỡng ý thức, tình cảm, ý thức về dân tộc và sự cố kết của cộng đồng. Người hát kể hơmon và người thưởng thức có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình diễn xướng, lưu truyền của sử thi, cùng hướng tới những giá trị nhân văn, thẩm mỹ được phản ánh trong sử thi. Hát kể và thưởng thức hơmon cũng là dịp để tăng thêm tình đoàn kết của các thành viên trong cộng đồng hướng tới những giá trị văn hóa và tinh thần chung.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, sử thi của người Bar Na (tỉnh Gia Lai) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử thi của người Bar Na ở Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO