Phù điêu Thần Brahma

Mỹ Bình| 05/05/2017 10:09

Phù điêu Thần Brahma hiện đang được lưu trữ trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, số 26 Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Kích thước Phù điêu Thần Brahma có trọng lượng 600kg, cao 128cm, rộng 88cm, dày 23cm, bằng chất liệu đá (sa thạch) hình vòm cung nhọn, chạm khắc, trang trí một mặt, mặt sau để trơn.

ADQuảng cáo

Bức Phù điêu Thần Brahma đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.

Thần Brahma còn có tên là Narayana, hay "Người từ dưới nước hiện lên". Bức phù điêu Thần Brahma được phát hiện tại di tích tháp Dương Long năm 1985 trong lúc dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị cho việc tu bổ cấp thiết di tích này. Đây là một cụm tháp đẹp nhất ở Bình Định hiện nay. Các năm 2006, 2007 tiến hành khai quật để phục vụ cho công tác trùng tu di tích, đã phát hiện hàng ngàn tác phẩm điêu khắc bằng đá gồm các loại hình như: Voi, sư tử, makara, rắn naga, kala, garuda, tu sĩ, yoni (một biểu tượng của thần Shiva thường được thờ trong lòng tháp), phù điêu các vị thần được diễn tả trong các câu chuyện thần thoại nào đó, hoặc các riềm hoa văn trang trí.

ADQuảng cáo

Phù điêu được thể hiện là một vị thần trong tư thế nhìn về phía trước cân đối. Vị thần đang đứng với tư thế hai chân chùng xuống, bành hai đầu gối khá mạnh ra hai bên; hai tay chính đang bắt quyết trước ngực. Hai bắp tay, mỗi bên mọc ra thêm ba tay phụ cầm những vật khác nhau: Tay dưới cầm một con dao găm, tay trên cầm hoa sen, tay giữa cầm một vật gì đó đã bị vỡ nên không nhận ra được. Thần có ba đầu: Đầu chính ở giữa nhìn thẳng, hai đầu hai bên như cố nhô ra để nhìn ra phía trước, cả ba đầu đều có khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị và đội mũ hình chóp. Thần không mặc áo, nên cả phần thân trên hiện ra một cơ thể lực lưỡng, cường tráng, ở cổ đeo chiếc vòng trang sức lớn hai lớp che kín phần ngực, các vòng trang sức được tạo bởi những hoa văn xoắn móc khắc nổi; các bắp tay, cổ tay đều đeo vòng trang sức. Y phục duy nhất của thần là chiếc sampot được giữ lại ở bụng bằng một dây thắt rộng bản trang trí các hình cánh sen. Dây thắt là một vạt dài, uốn lượn mềm mại phía trước bụng rủ xuống. Quanh vị thần là những tia hào quang hình các móc xoắn cách điệu. Trong hình thức này, thần được xem như đang nằm trên một chiếc lá nổi trên mặt nước nguyên thủy, miệng ngậm ngón chân - biểu tượng của sự trường cửu. Vợ của Brahma là người đẹp Sarasvati, nữ thần của học vấn và là thần đỡ đầu của nghệ thuật, khoa học và ngôn từ.

Năm 2003, bức phù điêu thần Brahma này được Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) chọn đưa đi trưng bày với chủ đề “Việt nam Quá khứ và Hiện tại”. Bảo hiểm cho hiện vật này là 200.000 USD.

Brahma là thần sáng tạo, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Đôi khi Brahma còn được xem là vị thần của sự thông thái. Phù điêu Thần Brahma là 1 trong 14 hiện vật bảo vật quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù điêu Thần Brahma
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO