Nghệ thuật tạc tượng nhà mồ - giá trị độc đáo

Nguyễn Hồng (t.h)| 11/03/2022 08:51

Tạc tượng nhà mồ, tượng gỗ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, phong phú, phản ánh tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, tinh thần của đồng bào các dân tộc Bah Nar, Gia Rai ở phía Bắc Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Thể hiện ý tưởng nghệ thuật độc đáo

Tượng gỗ dân gian Bah Nar, Gia Rai tại Tây Nguyên được chia làm hai nhóm cơ bản, thể hiện rõ nét trong không gian mà tượng được sử dụng trang trí.

Tượng gỗ trang trí trong sinh hoạt đời sống. Cụ thể là tại các kiến trúc nhà rông - ngôi nhà chung của làng, ngôi nhà ở như nhà sàn, nhà dài. Tùy từng không gian tượng gỗ thể hiện giá trị tâm linh và nghệ thuật với các loại tượng theo chủ đề phồn thực, mô tả sinh hoạt đời sống, đồ vật, chim thú, hoa trái... Trong nhà ở, nhà rông, nếu đi từ bên ngoài vào thì các sản phẩm của nghề điêu khắc gỗ dân gian Bah Nar, Gia Rai thường được thể hiện ở những vị trí như cầu thang, sân nhà sàn, nhà rông, nóc nhà rông, giàn cúng... Ở cầu thang, phổ biến nhất là hình ảnh hai bầu sữa mẹ, nằm ở vị trí cao hơn mặt sàn, đặt trước những ngôi nhà sàn của người Gia Rai thuộc nhóm địa phương Chor và Mthur. Trên cầu thang, ở vị trí tay nắm, các nghệ nhân dân gian thường bố trí 1 cặp ngà voi, sừng trâu, thể hiện ước muốn giàu sang theo quan niệm truyền thống của cư dân bản địa. Nơi sân nhà ở cũng thường được tạc, khắc một số hình trang trí gần gũi với cuộc sống của đồng bào như: cặp nồi đồng, bầu nước, con khỉ…

Những nghệ nhân tạc tượng phải rất tỉ mỉ, khéo léo để có thể thổi hồn vào bức tượng do mình làm ra

Phổ biến nhất và có mặt trong mọi nhà mồ là tượng người ngồi khóc đặt ở 4 góc nhà mồ. Nhiều nhất trong loại hình tượng nhà mồ là các tượng sinh hoạt như người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, nữ cầm quả bầu, nam đánh trống, thợ rèn, người lấy nước. Riêng tượng phụ nữ giã gạo thường được thể hiện rất sinh động.

ADQuảng cáo

Thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri

Chỉ bằng dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, dao, đục, những nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri, biến chúng thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mùa lễ hội, phản ánh sự sinh động của cuộc sống, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hóa của người Tây Nguyên.

Các nghệ nhân tạc tượng sử dụng kỹ thuật tinh xảo hoàn thiện những sản phẩm của mình

Để thổi hồn vào những bức tượng gỗ, các nghệ nhân thường là những người lớn tuổi, hiểu thấu văn hóa dân tộc, với nhiều kinh nghiệm sống. Họ tạc nên những bức tượng có hồn, sinh động và gần gũi với đời sống sinh hoạt của bà con dân làng, ẩn chứa tình cảm người tạc, phản ánh được đời sống hằng ngày của người Tây Nguyên.

Một tác phẩm tượng gỗ ra đời được xem như đứa con tinh thần, gắn với nhiều câu chuyện về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đó cũng là những món quà, lễ vật tâm linh của người sống dành cho người đã khuất mang về thế giới bên kia để bầu bạn, làm hành trang, tài sản theo cùng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật tạc tượng nhà mồ - giá trị độc đáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO