Lễ Xăng Khan của người Thái (Nghệ An)

Nguyễn Hồng (t.h)| 09/04/2021 09:00

Lễ hội Xăng Khan là ngày hội cộng đồng quan trọng của các bản làng dân tộc Thái, mang đậm nét văn hóa ở khu vực miền Tây Nghệ An. Đây là dịp để tạ ơn tổ tiên, các bậc tiền nhân đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu người và cũng là dịp để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, tìm hiểu, kết duyên vợ chồng.

ADQuảng cáo

Tiến trình nghi lễ

Thông thường cứ 3 - 5 năm một lần, vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong hoặc vào mùa xuân (tháng 2, tháng 3 âm lịch), lễ hội Xăng Khan lại được tổ chức.

Thầy mo thực hiện nghi lễ

Nghi lễ ngày nay diễn ra trong 1 ngày 1 đêm. Lễ vật chuẩn bị cho nghi lễ Xăng Khan gồm: Thủ lợn, rượu cần, cá nướng, bát gạo, quả trứng, kiếm, chén rượu, chai rượu, trầu cau... và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây hoa được làm từ thân cây tre hoặc cây nứa già, có chiều dài 4m, được khoét nhiều lỗ chia thành nhiều tầng, nhuộm mầu xanh đỏ, tím vàng xâu lại xen kẽ lẫn nhau và trang trí đẹp mắt với nhiều hoa văn, họa tiết. Cây hoa là một biểu trưng quan trọng của lễ Xăng Khan. Bên cạnh cây hoa còn có tháp chín tầng, được làm bằng khung nứa, được chằng bằng các sợi tơ nhiều mầu...

Để tổ chức lễ Xăng Khan, các thầy mo cử ra một ban hành lễ, mỗi người được phân công nhiệm vụ riêng. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm, các thầy mo bắt đầu tiến hành nghi lễ bằng việc khấn mời các thần linh Mường trời xuống trần gian đón nhận lấy phần lộc mà người dân tặng, ăn lễ vật mà người dân mang đến.

ADQuảng cáo

Lễ hội Xăng Khan có nhiều nghi thức, nghi lễ và rất nhiều trò diễn, trò vui. Cứ sau mỗi nghi lễ là một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ đó, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh, các ma có trong nghi lễ đó với nhiều trò diễn xướng độc đáo như: Múa, hát nhuôn, hát xuối, khắc luống, đánh cồng chiêng, gõ boong bu, thổi khèn...

Kết thúc nghi lễ, chủ nhà trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho sự may mắn trong cuộc sống. Sau đó, không chỉ người trong bản mà cả du khách thập phương kéo về dự hội cùng nhau nhảy múa hòa lẫn với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khua luống, tiếng dập ống tượng trưng cho sấm, mưa, cho sự phồn thực với mong ước mùa màng bội thu.

Mang đậm giá trị lịch sử

Lễ Xăng Khan mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Thái, do con người sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thời thế hệ này sang thế hệ khác và đời này qua đời khác; là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền rất đặc biệt; là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, mang tính cố kết cộng đồng rất cao của tộc người Thái, đã tạo ra bản sắc văn hóa riêng biệt, không thể lẫn lộn với bất kỳ với một dân tộc nào kihác.

Lễ Xăng Khan còn bảo lưu được nhiều nghi lễ, trò diễn dân gian, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái ở miền Tây xứ Nghệ, là dịp để người Thái thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc thần linh, tổ tiên và dịp để bà con dân bản tạ ơn công lao của các ông mo - những người đóng vai trò nối kết giữa đời sống thực tại của bản làng và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà tổ tiên.

Với giá trị tiêu biểu, lễ Xăng Khan của người Thái ở Nghệ An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 11/9/2017.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ Xăng Khan của người Thái (Nghệ An)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO