Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm

Nguyễn Hồng (t.h)| 21/08/2020 09:06

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (hay còn gọi là lễ hội chùa La), xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) được tổ chức vào ngày 12 đến 14 tháng 2 âm lịch hằng năm.

ADQuảng cáo

Lễ hội là dịp tưởng nhớ đến công lao ba vị sư tổ có công khai sáng Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Chương trình văn nghệ "Linh thiêng cổ tự Vĩnh Nghiêm"

Phần lễ diễn ra uy nghiêm, trang trọng, đi đầu dẫn đoàn rước là các loại cờ, lọng, chấp kích, gươm trường, bát bửu; tiếp đến là đoàn múa kỳ lân; trên mỗi kiệu được bày trí các loại đồ thờ cúng: hương hoa, bánh kẹo, lễ vật, hoa quả… Người rước kiệu được chọn là con, cháu của gia đình mẫu mực, uy tín với làng xóm.

Đi sau là các cụ ông, cụ bà trong trang phục áo dài, khăn xếp và đông đảo Nhân dân, du khách rước kiệu vào khu vực tiền đường, tam bảo, nhà tổ. Lễ vật được bày đặt lên các ban thờ làm lễ cúng Phật, tưởng nhớ đến các vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm cầu cho quốc thái, dân an, cầu mong mọi sự tốt lành đến với mọi người. Trong ngày hội, mỗi làng tổ chức rước một kiệu lên chùa. Người điều hành toàn bộ cuộc rước của ba làng là chánh tổng cầm trịch.

ADQuảng cáo

Thành phần tham gia vác cờ, khiêng kiệu trong cuộc rước là trai thanh, gái lịch do các làng tuyển chọn. Họ là những thanh niên nam, nữ chưa vợ, chưa chồng, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, là con cháu của những gia đình tử tế, mẫu mực có uy tín với làng xóm. Những người này đều mặc áo nâu đỏ, đầu đội nón chóp, chân quấn xà cạp, thắt lưng màu vàng bó múi cạnh sườn, đầu chít khăn vàng bỏ múi. Việc tế tổ do các sư đảm nhiệm.

Dưới sự điều hành của sư trụ trì, các cụ dân thôn tụng kinh niệm Phật. Trước ngày mở hội, các cụ quan viên các làng họp bàn phân công cụ thể công việc diễn ra trong ba ngày. Nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian bổ ích, hấp dẫn, thể hiện tinh thần thượng võ như: Đánh đu, kéo co, bịt mắt đập niêu... Lễ hội tổ chức nhiều trò chơi, hội diễn các tích trò nhà Phật như: Tích trò Quan Âm Thị Kính, tích trò động Hương tích, tích trò đoạn dưới động thập điện diêm vương, tích trò mục Kiền Liên đưa mẹ sang sông, lập đàn cắt kết. Đây là một sinh hoạt tín ngưỡng đêm hội mang tính giáo dục rất cao, đáp ứng được nhu cầu tinh thần với khách hành hương và dân trong vùng.

Vào hai buổi sáng, tối trong ngày giỗ tổ, nhà chùa thỉnh chuông hoằng dương Phật pháp. Suốt hai ngày hội, con hương đệ tử từ các nơi nô nức về chùa Vĩnh Nghiêm tế tổ. Trong hai ngày này toàn dân trong xã, bản tự và khách thập phương thắp hương niệm Phật tại chùa và cúng tổ ở Nhà Tổ đệ nhất, Nhà Tổ đệ nhị để Phật tổ hoằng hóa Phật pháp cho chúng sinh.

Chính sự uy nghi long trọng về hình thức, sự phong phú về nội dung, với giá trị nhân văn, tâm linh sâu sắc, xuyên suốt chiều dài lịch sử của lễ hội, đã có ý nghĩa giáo dục to lớn hướng con người đến chân - thiện - mỹ, ngày 9/9/2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO