Đề cao những giá trị đạo đức truyền thống trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Nguyễn Hồng (t.h)| 06/12/2019 09:24

Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ.

ADQuảng cáo

Ví, giặm là dân ca của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh xưa) với lối hát không nhạc đệm, được sử dụng phổ biến trong hầu hết mọi hoạt động thường ngày, từ ru con, dệt vải đến trồng lúa, chèo thuyền... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị đạo đức truyền thống như hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, sự tận tụy vì người khác, cũng như đức tính thật thà và cách cư xử giữa con người với con người. Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Về miền ví, giặm nghe câu dân ca

Hát ví là thể hát tự do, ngâm vịnh dựa theo các thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, đồng thời phụ thuộc vào bối cảnh, tâm tính của người hát. Qua khảo sát thực tế, nhiều người dân cho rằng tên gọi ví ở đây là ví von, so sánh hoặc ví là với, bên nam hát với bên nữ. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình…

Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại, thường có nhịp là 3/4 và 6/8. Lời hát giặm chủ yếu dựa theo thể thơ 5 chữ (thơ ngũ ngôn hoặc vè). Một bài giặm thường có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 được gọi là “giặm”.

ADQuảng cáo

Hai lối hát ví và giặm luôn được hát xen kẽ cùng nhau. Mỗi người có thể hát ví với âm điệu tự do hoặc hát giặm có phách mạnh, phách nhẹ, hoặc hát cả hai. Mỗi điệu hát là một nỗi niềm, một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều toát lên cái hồn vía, cốt cách của con người xứ Nghệ.

Gắn liền với lối sống và tập quán của cộng đồng người Nghệ Tĩnh, dân ca ví, giặm sử dụng nhiều từ ngữ địa phương với lối hát gần gũi, mộc mạc. Kỹ thuật hát chủ yếu được các nghệ nhân trao truyền bằng hình thức truyền khẩu, bảo đảm khi hát phải đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy, thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Trong đời sống đương đại, dân ca ví, giặm vẫn được các cộng đồng người Nghệ An và Hà Tĩnh nâng niu giữ gìn. Những làn điệu ví, giặm giản dị, mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha đã tạo nên một loại ngôn ngữ riêng phản ánh đời sống nội tâm phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc của người dân xứ Nghệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, tiếp tục được trao truyền và tồn tại bền bỉ.

Sinh ra và lớn lên cùng với những điệu ví, câu giặm, từ thuở lọt lòng nằm trong nôi, người dân xứ Nghệ đã được nghe những điệu hát ru, lớn lên, những câu ca ví, giặm trở thành hành trang theo họ suốt cuộc đời, dù có đến các miền quê khác, hay sống ly hương nơi đất khách quê người...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao những giá trị đạo đức truyền thống trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO