Phấn đấu đưa huyện Đắk Glong thoát nghèo vào năm 2025

Lê Dung thực hiện| 30/07/2020 16:28

Sau 3 ngày diễn ra tập trung, trách nhiệm, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã thành công tốt đẹp. Sau khi kết thúc Đại hội, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã phỏng vấn nhanh đồng chí Vũ Tá Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong xung quanh mục tiêu đưa địa phương thoát nghèo bền vững vào năm 2025.

ADQuảng cáo

Đồng chí Vũ Tá Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong

PV: Công tác giảm nghèo thời gian qua được huyện quan tâm triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Tá Long: Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Nhiều chương trình, dự án khác cũng đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của bà con. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã từng bước phát huy được thế mạnh của địa phương.

Việc thực hiện các dự án đã góp phần cơ bản vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, tạo được lòng tin của đồng bào dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Đảng bộ huyện luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.

Nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đều được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng… góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn huyện đã có 6.247 hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 27,1%, giảm 35,55% so với đầu nhiệm kỳ.

Tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm mạnh so với năm 2015, tuy nhiên, hiện vẫn đang ở mức cao. Đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn, chủ yếu là dựa vào nông nghiệp, song sản xuất chưa được chuyên canh và thiếu tính bền vững. Trong đó, hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các xã ở vùng sâu, vùng xa như Quảng Hòa, Đắk R’măng...

PV: Theo đồng chí, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao ở địa phương hiện nay là gì?

Đồng chí Vũ Tá Long: Đắk Glong là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã bàn thảo và xác định nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này.

ADQuảng cáo

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do huyện Đắk Glong mới được thành lập từ năm 2005, hạ tầng cơ sở ban đầu còn thấp kém. Những năm qua, tình hình dân di cư tự do đến địa bàn với số lượng rất lớn; trong đó, hầu hết là người dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Trong khi đó, huyện lại đang có trên 60% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do trình độ canh tác, nhận thức hạn chế nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm còn kém. Năng suất cây trồng trên một diện tích đạt thấp...

Một nguyên nhân khác là do thời gian qua, trên địa bàn có rất nhiều dự án đã được triển khai, nhất là Dự án thủy điện Đồng Nai 3, đã tác động đến đời sống, sản xuất của người dân. Việc người dân phải di chuyển từ vùng đã ổn định lên một nơi ở mới để phục vụ triển khai các dự án đã gặp rất nhiều khó khăn về đất ở, đất sản xuất.

Ngoài ra, hạ tầng cơ sở của huyện còn thấp kém. Giao thông đi lại khó khăn, nhất là ở một số xã như Quảng Hòa, Đắk R’măng… đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện phát triển sản xuất cũng như đời sống của bà con trên địa bàn.

PV: Đến năm 2025, Đắk Glong phấn đấu sẽ thoát khỏi huyện nghèo. Đồng chí có thể cho biết những giải pháp nào mà huyện đã đề ra để đạt được mục tiêu này ?

Đồng chí Vũ Tá Long: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đắk Glong lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện thoát nghèo. Để triển khai thực hiện đạt được mục tiêu này, Đảng bộ huyện đã xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm chủ yếu.

Trong đó, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ lệ nông nghiệp. Huyện sẽ tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng… để phát triển một số loại cây trồng phù hợp, nhất là các loại cây ăn trái.

Địa phương cũng sẽ tập trung khai thác hiệu quả các thế mạnh từ một số khu du lịch có tiềm năng lớn như khu du lịch sinh thái Tà Đùng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp cũng sẽ được huyện đẩy mạnh. Trong đó, ngành chức năng sẽ khuyến khích người dân chuyển từ trồng cây độc canh sang đa cây trồng, xen kẽ trong các cây công nghiệp, để tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích. Một số mô hình cây trồng hiệu quả cũng sẽ được địa phương nhân rộng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân như trồng dâu, nuôi tằm, trồng chè…

Hiện nay, trên địa bàn đang có một số trang trại trồng các loại cây chuyên canh và chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đến việc đầu tư phát triển loại hình kinh tế trang trại này. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề sẽ tiếp tục được địa phương đẩy mạnh, nhằm hướng dẫn người dân áp dụng các khoa học công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Các cây giống và con giống có năng suất và chất lượng tốt cũng sẽ được huyện nhân rộng trong sản xuất gắn với việc tìm kiếm đầu ra từ thị trường. Từ đó nhằm tạo dựng sự liên kết và các dòng sản phẩm để thực hiện xây dựng một số sản phẩm mang thương hiệu của địa phương.

Với mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện rõ ràng, hy vọng rằng, đến năm 2025, Đắk Glong sẽ chính thức thoát nghèo một cách bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đã đề ra.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đưa huyện Đắk Glong thoát nghèo vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO