Thương mại, dịch vụ bứt phá phát triển

Lê Dung| 29/09/2020 06:12

Những năm qua, thương mại, dịch vụ trong tỉnh có tốc độ tăng trưởng mạnh, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân và tạo cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Nền móng thúc đẩy giao thương

Theo Sở Công thương, trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh dự kiến 71.089 tỷ đồng, đạt 96,36% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,51%.

Chợ Nhân Cơ (Đắk R'lấp) giúp người dân trao đổi mua bán thuận tiện

Việc mua bán của người dân ngày càng thuận lợi, giá cả ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển đa dạng, mở rộng xuống tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 46 chợ đang hoạt động, gồm: 1 chợ hạng 1; 5 chợ hạng 2; 31 chợ hạng 3 và 9 chợ tạm, (tăng 5 chợ so với năm 2015). Các chợ được phân bố đều tại 42 xã, phường và thị trấn. Hệ thống chợ được hình thành, tạo ra thị trường, trao đổi mua bán, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Thời gian qua, ngoài sự hiện diện của Siêu thị Co.op Mart Đắk Nông, trên địa bàn còn có Trung tâm thương mại tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đã hoàn thành, đi vào hoạt động giai đoạn 1, đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Siêu thị hạng III tại huyện Cư Jút cũng đã đi vào hoạt động. Chợ Gia Nghĩa cũng được đầu tư xây mới thành chợ hạng 1. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng… Vì vậy, lượng hàng hóa lưu chuyển trong thị trường ngày càng lớn, phong phú về sản phẩm, đa dạng về mẫu mã, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm. Hàng hóa được bảo đảm chất lượng khá tốt, giá thành hợp lý và được tiếp cận hình thức kinh doanh hiện đại. 

Người dân mua hàng tại Tạp hóa Thu Hiền tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Nâm N’đir và chợ Đắk Song sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý để hoạt động hiệu quả hơn. Đóng góp vào hệ thống phân phối, cung ứng hàng hóa của địa phương còn có hơn 15.000 cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp thương mại; trên 252 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; hơn 200 cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), được phân bố rộng khắp trên địa bàn 71 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh…

Cơ cấu ngành Công nghiệp và thương mại toàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Dự kiến đến năm 2020, ngành Công nghiệp chiếm 12,06% trong cơ cấu GRDP, tăng so 4,27% với năm 2016 và ngành Thương mại, dịch vụ dự kiến đạt 42,2% trong cơ cấu GRDP, tăng 4,46% so với năm 2016.

Từ chỗ đứng thứ 2 trong cơ cấu trong GRDP vào năm 2016 (với 37,74%), dự kiến đến năm 2020, khu vực dịch vụ sẽ vươn lên vị trí thứ nhất (với 42,2%) và đẩy khu vực nông - lâm - thủy sản xuống vị trí thứ 2. Tổng giá trị gia tăng ngành dịch vụ đến năm 2020 dự kiến đạt 7.746 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2016.

ADQuảng cáo

Đầu tư nâng cấp các chuỗi cung ứng

Thương mại, dịch vụ của tỉnh đi lên trên nền móng vững chắc trong 5 năm qua chính là cơ sở cho kỳ vọng lĩnh vực này sẽ phát triển hơn trong giai đoạn 2020 - 2025.

Mặc dù hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản giảm sâu đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và nhu cầu chi tiêu mua sắm của nhiều người dân.

Các cửa hàng tiện lợi giúp người dân được tiếp cận với kênh mua sắm hiện đại

Trong kỳ, một số dự án trọng điểm chậm đi vào hoạt động hơn so với kế hoạch: Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động chậm và Dự án Nhà máy Điện phân nhôm cũng chưa đi vào hoạt động. Do đó, ở giai đoạn này chưa thu hút được nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ trong vùng dự án phát triển…

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Công thương phấn đấu đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt 107.530 tỷ đồng, tăng 51,2% so với giai đoạn trước đó. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại và phát triển các chợ truyền thống tại các xã, phường còn trống.

 Đa dạng các mặt hàng hóa tiêu dùng tại Siêu thị Co.opMart Đắk Nông

Các loại hình kinh doanh hiện đại như các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị mini, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ được ngành Công thương tạo điều kiện và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư hơn nữa. Qua đó hình thành kênh phân phối hàng hóa phong phú, đa dạng, đưa sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, giảm bớt các khâu trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, ngành Công thương sẽ đề nghị UBND TP. Gia Nghĩa phối hợp, đề xuất dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Đắk Nông bằng nguồn vốn Trung ương để mở rộng hệ thống cung ứng, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tốt hơn tới người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất dự án xây dựng, nâng cấp các chợ cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng nguồn vốn Nhà nước…

Hạ tầng thương mại phát triển đã từng bước làm tròn chức năng giao thương, trao đổi hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Qua đó đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại, dịch vụ bứt phá phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO