Giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Vũ Trang| 01/09/2020 10:18

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp về lao động việc làm, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm

Để đạt được mục tiêu tạo việc làm mới, hàng năm, tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ thông tin, kết nối cung-cầu lao động; xuất khẩu lao động sang các thị trường nước ngoài… Trong đó, đào tạo cho người lao động có tay nghề vững chắc, phù hợp với nhu cầu thị trường là một trong những giải pháp quan trọng.

Đào tạo cho người lao động có tay nghề vững chắc, phù hợp với nhu cầu thị trường là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giải quyết việc làm hiện nay

Hàng năm, các địa phương chú trọng thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ về đất sản xuất, các dịch vụ, xúc tiến đầu tư - thương mại, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm... Trong giai đoạn 2016-2020, Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ cho vay trên 5.660 dự án với tổng số vốn giải ngân hơn 167 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ tạo việc làm cho 5.680 lượt người. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3.702 dự án được phê duyệt cho vay từ nguồn ngân sách của tỉnh với tổng số tiền gần 54 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho 2.218 lượt người.

Việc cho vay xuất khẩu lao động cũng góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Từ năm 2016 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh xét duyệt cho 234 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động với tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hàng năm, ngành triển khai việc thu thập các thông tin cơ bản về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp, trình độ chuyên môn và thông tin biến động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có sử dụng lao động theo nghề và trình độ đào tạo.

Kết quả, giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã cập nhật, thu thập các thông tin về thực trạng và nhu cầu tuyển dụng lao động của 2.947 lượt doanh nghiệp; rà soát, thu thập thông tin cơ bản về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp, trình độ chuyên môn kỹ thuật của 719.154 lượt hộ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 44 phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 930 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng lao động và có 6.300 lượt người đăng ký tìm kiếm việc làm. Qua đó, 542 lượt lao động được giới thiệu việc làm thành công.

Góp phần giảm nghèo bền vững

 Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, công tác giải quyết việc làm của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 90.969 lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm, đạt 101,07% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 18.193 lượt người.

Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động tham gia trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp giảm từ 63,61% năm 2016 xuống còn 57,50% năm 2020; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 12,27% năm 2016 lên 15,18% năm 2020; thương mại và dịch vụ tăng từ 24,12% năm 2016 lên 27,32% năm 2020. Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là 13%, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.

Theo đánh giá, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh từng bước hỗ trợ giải quyết vấn đề bức xúc về việc làm trong đời sống xã hội. Hoạt động này thực sự tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng nông thôn, kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm…

Còn nhiều “nút thắt”

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, việc giải quyết việc làm cho người lao động có sự biến động mạnh. Điều này cho thấy, công tác giải quyết việc làm vẫn còn thiếu tính bền vững. Ngoài nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19, sự biến động này còn do những “nút thắt” đã tồn tại nhiều năm nay.

Cụ thể, tình trạng việc làm trên địa bàn tỉnh còn mang tính chất thời vụ cao. Lao động nông thôn phần lớn mang tính phổ thông, sản xuất phụ thuộc vào lao động và sức khỏe, có việc làm nhưng thu nhập không ổn định. Một bộ phận thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề; một số lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong việc học nghề, chưa xác định được mục đích khi tham gia xuất khẩu lao động. Tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế nên tỷ lệ bỏ việc giữa chừng vẫn cao…

Mặt khác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ lẻ nên chưa khuyến khích người lao động làm việc ổn định. Các dự án vay vốn dù thu hút được nhiều người lao động nhưng do phần lớn đều đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên tính bền vững chưa cao. Người lao động được đào tạo nghề vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc được bố trí sắp xếp việc làm mà chưa chủ động tìm việc.

Cần đột phá và bền vững

Theo Sở LĐ-TB&XH, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là mối quan tâm hàng đầu của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Các chính sách kinh tế - xã hội luôn hướng tới mục tiêu việc làm cho người lao động, đặc biệt là thanh niên nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.

Để công tác này đạt hiệu quả, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những giải pháp mang tính đột phá và bền vững hơn nữa. Trong đó, công tác dạy nghề và tạo việc làm cần tiếp tục được đẩy mạnh, chú trọng khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn, nhằm giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp, như công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động phải từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, giúp người dân, thanh niên, học sinh lựa chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động.

Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của chính sách. Công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay tại các địa phương cần được tăng cường để bảo đảm việc cho vay và sử dụng vốn vay đúng quy định, mục đích.

Ngành LĐ-TB&XH hàng năm tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO