Phát triển du lịch địa chất để phát huy các lợi thế tự nhiên, giá trị văn hóa

Mỹ Hằng| 07/06/2021 08:16

Du lịch địa chất (Geological tourism) là một loại hình du lịch tập trung khai thác các yếu tố liên quan đến địa chất như địa mạo, cảnh quan, thành phần cấu tạo (đá xâm thực, đá tinh thể, đá trầm tích)… và quá trình hình thành các giá trị địa chất đó như xói mòn, phun rào núi lửa, băng hà…

ADQuảng cáo

Đây là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Theo tiêu chí của UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, du lịch địa chất được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc để phát triển công viên địa chất.

Hệ thống hang động núi lửa của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là tiềm năng để phát triển du lịch địa chất

Đối với tỉnh Đắk Nông, khi bắt tay vào xây dựng thành công mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thì việc phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ là một nhiệm vụ tất yếu trong chiến lược phát triển địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bởi lẽ, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có nhiều giá trị đặc trưng về địa chất, văn hóa và thiên nhiên. Đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á với quần thể hàng trăm hang động lớn nhỏ, có tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái rừng phong phú, cùng với các giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc.

Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một phần của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, là quê hương của các bộ đàn đá cổ lâu đời được chế tác từ đá bazan có niên đại khoảng 3.000 năm. Cùng với đó là kho tàng sử thi và các loại hình âm nhạc dân gian, hòa quyện cùng ngữ điệu các vùng miền của 40 dân tộc anh em, tiếng suối reo, thác đổ, tiếng chim chóc và các loài muông thú, tiếng rì rào của gió…

Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên ý tưởng xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” với ba tuyến du lịch trải nghiệm “Bản trường ca của Lửa và Nước”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Âm thanh từ Trái đất”.

Tất cả các yếu tố trên sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo được ưu tiên lựa chọn khi du khách đến với Đắk Nông. Việc chú trọng phát triển loại hình du lịch địa chất sẽ không gây áp lực cho đầu tư hạ tầng, mà ngược lại giúp tỉnh Đắk Nông có thời gian quy hoạch lại bài bản chiến lược phát triển du lịch, từng bước xây dựng và mở rộng thị trường du khách tiềm năng, góp phần khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước cũng như thế giới.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, với việc chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã chứng  minh được các yếu tố đặc trưng về địa chất, địa mạo, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực để phát triển loại hình du lịch công viên địa chất.

Trải nghiệm khi đi du lịch tại CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định: “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” nhằm huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho quá trình phát triển của tỉnh.

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sẽ góp phần vào thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã quy hoạch và đầu tư 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch trong vùng công viên địa chất.

Tuy nhiên, để vận hành tốt các điểm đến này cũng như thúc đẩy loại hình du lịch địa chất phát triển bền vững rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Thời gian tới, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tiếp tục tập trung triển khai thực hiện 16 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nhất là cải thiện hình ảnh, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch địa chất để phát huy các lợi thế tự nhiên, giá trị văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO