Núi lửa Nâm Kar

Gia Bình| 02/09/2021 08:13

Nằm trên tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, dãy núi lửa Nâm Kar thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú (Krông Nô) là một trong những núi lửa trẻ, hình thành bởi sự kết hợp giữa phun trào và phun nổ.

ADQuảng cáo

Dãy núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một điểm nón than chính và hai nón than phụ. Điểm nón than chính cao 60 m, có đường kính 220m, miệng nhỏ sâu khoảng 20m tính từ đỉnh núi, có hình dạng oval điển hình. Điểm có độ cao 660m so với mực nước biển, được cấu tạo chủ yếu từ xỉ, mỗi viên xỉ có đường kính vài centimet.

Miệng núi lửa  Nâm Kar. Ảnh: Ban Quản lý CVĐC

Về hướng Bắc cách vài chục mét, là một nón xỉ nhỏ hơn (S1) cao 24,2m và có độ cao 605m so với mặt nước biển, được thành tạo do quá trình phun nổ, gồm xỉ và bom núi lửa có đường kính khoảng 10cm kết dính với nhau. Nón xỉ này không có miệng trên đỉnh, thay vào đó là các hiện tượng thoát khí, tạo cấu trúc ống trong quá trình di chuyển và được ví như hình dáng của thân cây.

Về hướng Nam vài chục mét là miệng dung nham núi lửa thấp nhất (S2) cao 22,4m và có độ cao 621m so với mực nước biển. Miệng núi lửa có hình móng ngựa do các pha phun trào dung nham ở các thời kỳ khác nhau, đồng thời hình thành nên cánh đồng dung nham có diện tích khoảng 4,75km2.

Nón than và nón xỉ được hình thành trong giai đoạn đầu của phun trào khi dung nham vẫn còn giàu khí và độ nhớt thấp, sớm hơn giai đoạn hình thành miệng dung nham núi lửa. Dung nham chứa khí gas phun trào vào không khí, vỡ từng mảnh và nguội lạnh nhanh chóng.

ADQuảng cáo

Hoạt động phun trào cũng tạo nên các bom núi lửa với nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, đã tạo nên lớp màng thủy tinh do sự nguội lạnh quá nhanh chóng. Sau đó, khi dung nham bắt đầu ít khí gas và lỏng hơn, chúng dễ dàng chảy ra xa để tạo nên cánh đồng dung nham. Với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, dãy núi lửa Nâm Kar được xem là núi lửa rất trẻ có niên đại dưới 10.000 năm tuổi.

Núi lửa Nâm Kar gắn liền với cuộc sống người M'nông và được thể hiện qua sử thi

Đồng bào M’nông trong khu vực hiện nay vẫn còn chuyền tai nhau về sự tích hình thành núi lửa Nâm Kar. Tương truyền, ngày xưa, trên đỉnh núi có một hồ nước rộng mênh mông và rất nhiều cá, cây cỏ xanh tốt. Biết được điều này, một chàng trai tìm đến bắt cá nướng ăn mà không hề biết đây là cá do thần nuôi. Vì thế, khi vừa ăn xong con cá nướng, chàng trai cảm thấy ngứa ngáy toàn thân và khuôn mặt dần biến dạng, có đôi tai rất to và cái mũi rất dài, cái bụng phình to, thân hình vạm vỡ như con voi.

Vì là người biến thành voi nên ăn rất khỏe, dân làng không đủ cơm để nuôi. Các già làng, thầy cúng liền nấu cơm nếp, bắp, đậu, củ sắn rải lên lá cây trúc để nhử voi đến ăn. Voi ăn đến đâu thì thầy cúng đọc thần chú đến đó để voi nhớ rằng đó chính là thức ăn của mình.

Ngày nay, trên miệng ngọn núi lửa này vẫn có nước và cá sinh sống rất nhiều và đồng bào trong vùng vẫn giữ nguyên tên gọi của ngọn núi này là Nâm Kar (có nghĩa là núi cá). Truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar cũng chính là sự tích con voi mà người M’nông thường kể trong sử thi để nhắc nhở, giáo dục con cháu không tự ý xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Núi lửa Nâm Kar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO