Hang C6.1 - di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á

Mỹ Hằng| 13/07/2022 08:59

Trong hệ thống hang động núi lửa, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, hang C6.1 (người M’nông thường gọi là hang Mâng ling Pian) thuộc xã Đắk Sôr (Krông Nô) được đánh giá là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.

ADQuảng cáo

Hang C6.1 được đánh giá di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á

Dấu tích văn hóa, hoạt động sống thời tiền sử

Hang C6.1 không chỉ là một di sản địa chất mà chính nơi đây các nhà khoa học đã phát hiện và khai quật được di cốt người tiền sử với nhiều tầng văn hóa cách ngày nay từ 6.000 - 7.000 năm. Qua khai quật tại hang C6-1 và C6 các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ và hiện vật là đồ đá với các công cụ lao động và đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành. Đặc biệt và quan trọng nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Theo các nhà khoa học, các di sản khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô - nơi còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử - là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Việc lần đầu tiên phát hiện ra di cốt người tiền sử trong các hang núi lửa là phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành cổ nhân học Việt Nam. Đây là một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu khảo sát hang C6.1

Truyền thuyết nguồn gốc dân tộc M'nông

Theo người dân xung quanh khu vực hang động núi lửa Krông Nô, hang C6.1 là khu vực rất linh thiêng và được tôn kính như nơi thờ cúng tổ tiên của loài người. Hiện người dân vẫn truyền tai nhau về nguồn gốc cũng như sự tích liên quan đến hang C6.1.

ADQuảng cáo

Theo lời kể của ông Y Ting xã Nâm Nung thì ngày xưa khu vực rừng Đ'ray Sáp được thần Nâm Blang tạo ra rất nhiều hang động để làm nơi trú ngụ cho con người lẫn muông thú. Những hang của muông thú được mang tên bởi chính loài vật trú ngụ trong đó như trôm Rết (hang Dơi); trôm Klăn (hang Trăn), trôm Dau (hang Cọp)… Riêng loài người thì sống trong hang rất lớn.

Vị trí tìm thấy di cốt người tiền sử tại hang C6.1

Con người và loài vật sống với nhau rất yên bình thì một hôm xảy ra một trận động đất lớn khiến cho hang con người bị sập. Mọi người trong hang đều chết hết, duy nhất chỉ có 2 đứa trẻ 10 tuổi là Đam Ban và H’Đai là còn sống cùng với 1 chú dê lạc mẹ.

Hang bị lấp, không thấy cha mẹ, anh em ở đâu cả, cả hai anh em khóc hết sức thảm thiết. Rồi hai anh em dò dẫm đi lánh nạn, đi mãi bỗng thấy một cái hang khá rộng liền vào đó. Thì ra đây chính là hang của dê mẹ, thấy dê con được an toàn cùng 2 anh em, dê mẹ cảm kích và mang rất nhiều thức ăn ngon mời 2 anh em. Từ đó về sau, hai anh em sống cùng với 2 mẹ con dê.

Các nhà khảo cổ học khai quật hang C6

Thời gian trôi qua, Đam Ban và H’Đai khôn lớn và lấy nhau, rồi sinh con đàn cháu đống. Cứ thế, cái nôi của loài người sinh sôi nảy nở, sống hòa thuận với nhau. Họ ở chật cả cánh rừng, đồi núi và bàn nhau đi khắp nơi để sinh cơ lập nghiệp. Trước ngày chia tay, người dân làm lễ tạ ơn loài dê. Còn loài dê thì cho loài người đủ các loại giống và súc vật. Loài dê dẫn đường cho con người đến những vùng đất rộng lớn, cây cối xanh tốt, màu mỡ… Từ đó loài người có mặt khắp muôn nơi trên Trái đất.

Với truyền thuyết trên, đồng bào M'nông khu vực Krông Nô muốn khẳng định rằng, vùng đất cao nguyên Đắk Nông mà họ định cư ngày nay chính là mảnh đất cội nguồn của tộc người - nơi tổ tiên họ ngày xưa từng khai thiên lập địa. Người M'nông được thần Nâm Blang che chở và ban cho những hang động để trú ngụ. Trong kiến trúc nhà ở của mình, đồng bào M'nông vẫn giữ hình dáng mái vòm như những hang động để nhắc nhở con cháu không quên nguồn gốc tổ tiên cũng như văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hang C6.1 - di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO