Đắk Nông cần có những kế hoạch, chính sách cụ thể để phát triển sinh kế vùng công viên địa chất

Mỹ Hằng thực hiện| 18/07/2019 10:30

Mới đây, Đoàn chuyên gia UNESCO đã kết thúc đợt thẩm định chính thức Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Mai Phan Dũng, Quyền Vụ trưởng Vụ ngoại giao văn hóa - Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Mai Phan Dũng, Quyền Vụ trưởng Vụ ngoại giao văn hóa - Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam

PV: Ông có thể cho biết tầm quan trọng của chuyến thẩm định chính thức lần này của các chuyên gia UNESCO?

Ông Mai Phan Dũng: CVĐC toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội... tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể.

Một CVĐC toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Muốn có được danh hiệu này phải trải qua nhiều vòng thẩm định, họp đánh giá xem địa phương (nơi nộp hồ sơ xét duyệt CVĐC) có đáp ứng đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra hay không.

Do đó, chuyến thẩm định chính thức lần này của UNESCO có ý nghĩa vô cùng quan trọng và quyết định đối với việc công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho CVĐC Đắk Nông. Sau chuyến thẩm định chính thức này, UNESCO sẽ tiến hành Hội nghị CVĐC Châu Á Thái Bình Dương tại Indonesia vào tháng 9/2019 và các chuyên gia sẽ báo cáo tổng kết chuyến khảo sát. Tiếp đến, vào tháng 4/2020, Hội đồng UNESCO tổ chức họp, đánh giá, rồi mới quyết định công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu  hay không.

Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định địa điểm gỗ hóa thạch

PV: Ông có đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của tỉnh Đắk Nông cho lần thẩm định chính thức này?

ADQuảng cáo

Ông Mai Phan Dũng: Phải nói rằng là chúng tôi - Ủy ban UNESCO Việt Nam đánh giá rất cao sự quyết tâm của lãnh đạo, người dân tỉnh Đắk Nông trong việc chuẩn bị hồ sơ đệ trình liên quan đến danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO và sự tham gia của các sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn. Cho đến nay, hồ sơ của tỉnh Đắk Nông đã có sự chuẩn bị rất tốt.

Chúng tôi tin tưởng lần nộp hồ sơ này, Đắk Nông đã đáp ứng tất cả các tiêu chí mà UNESCO đưa ra. Trong mấy ngày vừa rồi, Đoàn chuyên gia UNESCO đã thẩm định chính thức từng nội dung của hồ sơ mà tỉnh Đắk Nông nộp lên. Điều đáng nói, từ cuối năm 2018 đến nay, tất cả các khía cạnh từ mục tiêu quy hoạch, quản lý, tổ chức, tiêu chí địa chất, cho đến địa mạo khoa học, văn hóa đều được tỉnh Đắk Nông thực hiện một cách đầy đủ. Chúng tôi tin tưởng rằng, các chuyên gia sẽ đánh giá một cách tích cực để hồ sơ tỉnh Đắk Nông đạt kết quả tốt trong kỳ xét duyệt sắp tới.

Chuyên gia UNESCO thẩm định Nhà trưng bày đàn đá ở bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa)

PV: Cho tới thời điểm này tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản cho chuyến thẩm định mang tính quyết định. Vậy trong thời gian tới tỉnh Đắk Nông cần làm những gì để bảo vệ thành quả và phát huy các giá trị vùng CVĐC?

Ông Mai Phan Dũng: Với bất cứ một danh hiệu nào của UNESCO thì việc xây dựng hồ sơ và được chính thức công nhận danh hiệu cũng chỉ là bước khởi đầu của giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, công việc sau khi có danh hiệu là cực kỳ khó khăn, cần tiếp tục có sự cố gắng nỗ lực thường xuyên lâu dài của chính quyền, cộng đồng địa phương-tất cả các chủ thể đang sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng như trong khuôn khổ của CVĐC. Danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO là danh hiệu liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học địa chất, văn hóa, giáo dục, lịch sử, môi trường… và nhất thiết phải có sự tham gia của tất cả các ban, ngành.

Do đó, việc đầu tiên là tỉnh Đắk Nông phải xây dựng được một Ban quản lý CVĐC đủ mạnh về nhân sự, có khả năng huy động các sở, ngành cùng tham gia và đây chính là kinh nghiệm đi trước của các nước, tỉnh có CVĐC toàn cầu. Việc thứ hai là cần nâng cao nhận thức của các chủ thể, cộng đồng trong vùng CVĐC về trách nhiệm, tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị của CVĐC toàn cầu.

Tiếp đến, trên cơ sở những khuyến nghị mà các chuyên gia UNESCO đưa ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các phần việc còn dở dang. Quan trọng nhất, tỉnh cần có những kế hoạch, chính sách cụ thể để người dân trong khu vực CVĐC có thể phát triển sinh kế bền vững. Về phía Ủy ban UNESCO Việt Nam hy vọng thời gian tới tỉnh sẽ làm được những vấn đề này.  

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông cần có những kế hoạch, chính sách cụ thể để phát triển sinh kế vùng công viên địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO