Có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về những di sản địa chất !

Mỹ Hằng| 14/05/2019 09:58

Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia đón đoàn chuyên gia UNESCO vào thẩm định thực địa chính thức Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông, vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng cho hơn 30 giáo viên tiếng Anh đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Tại lớp tập huấn, các học viên được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết về công tác đối ngoại, lễ tân ngoại giao, quản lý về hoạt động đối ngoại, nghi thức ngoại giao, CVĐC toàn cầu, CVĐC Đắk Nông, các tuyến du lịch vùng CVĐC; kỹ năng và thực hành thuyết minh du lịch, sử dụng công nghệ hỗ trợ trong các tuyến du lịch.

Ngoài lý thuyết, các học viên còn được đi tham quan, tìm hiểu thực tế tại 44 điểm di sản của 3 tuyến CVĐC để hiểu sâu hơn về nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC cũng như thực hiện tốt các kỹ năng, phương pháp và nội dung thuyết trình, giới thiệu tại các điểm di sản.

Hang C3 - nơi tìm thấy di cốt người tiền sử

ADQuảng cáo

Theo cảm nhận chung của các giáo viên, được tham gia lớp tập huấn là một may mắn lớn, bởi lâu nay được sống và làm việc trên vùng CVĐC nhưng ít ai hiểu sâu về quá trình kiến tạo cũng như giá trị của các điểm di sản. Do đó, bằng những kiến thức đã được tiếp cận, khi trở về với nhiệm vụ của mình thì họ cũng sẽ ra sức trao truyền lại cho các em học sinh để hiểu được giá trị của việc chung tay bảo vệ, xây dựng CVĐC toàn cầu.

Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Nhân, Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi được tham gia lớp học và nhận thấy lớp học có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi được đi tận nơi, tận mắt chứng kiến những giá trị to lớn của các điểm di sản mới thấy yêu quý những gì thiên nhiên ban tặng và trân trọng hơn mảnh đất mình đang sinh sống. Đặc biệt, khi đến ngọn núi Nâm Kar ở xã Quảng Phú, tận mắt chứng kiến cảnh khai thác rừng hoang tàn, chúng tôi xót xa lắm, ao ước làm sao ngọn núi được bảo tồn”.

Cô giáo Lê Ánh Nguyệt, Trường THPT Lê Duẩn (Đắk Glong) phấn khởi: “Trước đây, tôi cũng đã từng đi đến các ngọn núi nhưng chưa có dịp tìm hiểu sâu về sự hình thành cũng như kiến tạo. Nhờ tham gia lớp tập huấn mà tôi cũng như các giáo viên khác có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về những di sản địa chất. Qua đó, tôi thấy trách nhiệm của mình vô cùng lớn lao, không chỉ mang kiến thức trao truyền cho các em học sinh mà còn cần phải làm hết sức mình để có thể chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu”.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay tỉnh Đắk Nông đang trong tiến trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho CVĐC Đắk Nông. Việc xây dựng, phát triển CVĐC Đắk Nông là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, là trách nhiệm của mỗi người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Từ lớp tập huấn này, mỗi học viên sẽ có cơ hội là những người truyền đạt thông tin về CVĐC Đắk Nông một cách hiệu quả tới mỗi người dân, du khách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về những di sản địa chất !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO