Xác định thế mạnh, đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP

Hồng Thoan| 21/10/2020 09:22

Đắk Nông đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó, việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “nền móng” để triển khai thành công chương trình này.

ADQuảng cáo

Xây dựng sản phẩm thế mạnh qua nhiều yếu tố

Tại huyện Cư Jút, quá trình triển khai chương trình OCOP, địa phương đã làm kỹ các bước khảo sát, nắm tình hình về thực trạng sản xuất các sản phẩm trên địa bàn. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2018-2020, huyện xác định được những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh là may mặc và thực phẩm.

Quá trình, quy trình, địa điểm sản xuất có thể trở thành nơi tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Sản xuất sản phẩm bò khô tại cơ sở Đức Tâm (Cư Jút)

Trong đó, nhóm thực phẩm thế mạnh gồm có sản phẩm đã gây được ấn tượng lâu nay như: đậu nành ở xã Nam Dong; tinh dầu gấc, tinh dầu bơ, khô bò, chuối sấy khô, hạt điều rang muối, tiêu sọ, tiêu ngâm mắm, dệt thổ cẩm…

Theo ông Đỗ Duy Nam, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, việc tìm được những sản phẩm thế mạnh có ý nghĩa lớn trong quá trình xây dựng, phát triển, nâng tầm OCOP. Trên cơ sở các sản phẩm thế mạnh, huyện sẽ phân tích, đánh giá các điều kiện về đất đai, khí hậu, con người, nguồn lực khác như vốn, hạ tầng, nguồn lực mềm về chất lượng, chứng nhận sản phẩm... để thực hiện chương trình OCOP.

Huyện cũng muốn vận dụng Chương trình OCOP để khơi dậy đó những nội lực, sự tâm huyết của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, huyện sẽ đưa các sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề có thế mạnh phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước, quốc tế.

Hiện nay, việc tiêu thụ của các sản phẩm ở Cư Jút chủ yếu dựa vào thị trường trong tỉnh, trong nước là chính, còn xuất khẩu chưa. Tuy nhiên, quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, các chủ cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã bước đầu gầy dựng được uy tín với người tiêu dùng bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, việc hướng tới xuất khẩu các sản phẩm là điều mà người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã đặt ra lâu nay.

Bên cạnh nông sản, sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, Cư Jút cũng có sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo. Những sản phầm này có thể xây dựng thành các sản phẩm du lịch, trải nghiệm, tham qua OCOP.

Sản phẩm bò khô của cơ sở Đức Tâm (Cư Jút) xây dựng thành sản phẩm OCOP

ADQuảng cáo

Lấy thế mạnh địa phương làm cơ sở

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Nông, việc xác định đúng đặc trưng, thế mạnh của các địa phương có ý nghĩa lớn đối với thành công, hiệu quả chương trình OCOP. Từ sự lựa chọn cấp thôn, xã, huyện đến tỉnh, quốc gia sẽ bảo đảm được một "dòng chảy" sản phẩm không bị trùng lặp, không dư thừa.

Việc xác định sản phẩm thế mạnh cũng sẽ thuận lợi cho đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh bị lãng phí, dàn trải các nguồn lực. Mỗi sản phẩm thế mạnh cũng góp phần gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế cho hàng hóa của địa phương.

Sản phẩm từ tinh dầu bơ, tinh dầu gấc của HTX Nam Hà (Cư Jút) tham gia xây dựng thành sản phẩm OCOP

Theo Đề án OCOP, giai đoạn 2018-2020, Đắk Nông xác định và đăng ký phát triển trên 15 sản phẩm thế mạnh hiện có của tỉnh để xây dựng thành sản phẩm OCOP quốc gia. Các loại sản phẩm có tiềm năng lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP như: lúa gạo, hạt mắc ca, hồ tiêu, chanh dây, măng cụt, bơ, cà phê, tinh dầu gấc, đinh lăng, tranh thêu, các sản phẩm du lịch tại các bon, buôn truyền thống gắn với du lịch homestay, công viên địa chất toàn cầu. Đây đều những sản phẩm có lợi thế cao của tỉnh, có thể phát triển thương hiệu và trở thành hàng hóa lớn.

Đến năm 2020, tỉnh đã công nhận 22 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Như vậy, Đắk Nông đã cơ bản đạt được kế hoạch về số lượng sản phẩm OCOP. Hiện nay, một số sản phẩm cũng đã có "chỗ đứng" khá vững trên thị trường và sẽ được gắn nhãn OCOP để có mặt tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

OCOP là chương trình mở, luôn tạo cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp. Hàng năm, bộ máy vận hành OCOP sẽ thực hiện theo một chu trình bao gồm các bước được phối hợp từ trên xuống và từ dưới lên để bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong điều hành, triển khai công việc.

Cụ thể, Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, có chính sách, định hướng phát triển, hướng dẫn và dành sẵn nguồn lực để hỗ trợ hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp làm chủ quá trình sản xuất theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và thụ hưởng”.

Chương trình OCOP được triển khai với kỳ vọng hình thành, phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ truyền thống, có lợi thế theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với định hướng thị trường. Từ đó, OCOP sẽ tạo cú huých nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định thế mạnh, đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO