Sản phẩm OCOP được "trợ lực"

Lê Dung| 19/04/2021 08:43

Thời gian qua, nhiều đề án khuyến công đã được ngành Công thương ưu tiên hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các đề án này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm...

ADQuảng cáo

Gia tăng giá trị sản phẩm

Hộ kinh doanh thu mua chế biến nông sản Như Ý, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), là đơn vị chuyên sản xuất hạt mắc ca cung ứng cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bình quân mỗi năm, cơ sở này sản xuất khoảng 15 tấn mắc ca thành phẩm và cung cấp 30 tấn mắc ca tươi cho nhiều đơn vị chế biến trên địa bàn.

Nhờ được hỗ trợ đầu tư máy hút chân không nên sản phẩm mắc ca sấy Như Ý không chỉ đẹp, đồng đều mà còn bảo quản được lâu hơn

Năm vừa qua, cơ sở được Quỹ khuyến công địa phương hỗ trợ 174 triệu đồng để mua thiết bị, máy móc phục vụ chế biến hạt mắc ca sấy, gồm: Máy sấy, máy hút chân không và máy in hạn sử dụng. Theo bà Tôn Nữ Ngọc Như, chủ hộ kinh doanh, trước đây, máy móc của cơ sở còn nhỏ, nên công suất sấy 1 lần chỉ được khoảng vài chục kg mắc ca. Bây giờ, cơ sở được hỗ trợ máy mới, công suất đã nâng lên 3 tạ mắc ca/1 lần sấy. Thời gian hút chân không cũng được rút ngắn còn 1/4 so với trước đây.

"Các máy móc mới vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm bớt chi phí cho cơ sở. Sản phẩm tạo ra đẹp, đồng đều và bảo quản được lâu hơn", bà Như cho biết.

Sản phẩm mắc ca sấy Như Ý ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường

ADQuảng cáo

Cũng được nguồn Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, năm 2020, Công ty TNHH Hoàng Phát, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã mua sắm 3 thiết bị mới, tiên tiến để chế biến cà phê, gồm: Máy rang, máy hút chân không và máy màng co. Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc công ty cho biết, trước đây, công ty chủ yếu rang cà phê bằng thủ công (đốt củi) nên mất nhiều thời gian. Bây giờ, với máy rang bằng ga, công suất rang cà phê hạt của cơ sở đã tăng lên gần gấp đôi. Công lao động được giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, máy hút chân không và màng co cũng giúp sản phẩm của công ty được bảo quản lâu hơn, chất lượng được nâng lên, nhất là khi xuất đi những nơi xa. Vì vậy, sản phẩm của đơn vị được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.

"Bệ đỡ" cho sản phẩm OCOP

Năm 2019-2020, toàn tỉnh có 5 đơn vị tham gia Chương trình OCOP lập đề án và được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) Nguyễn Thanh Tòng cho biết, hiện nay đơn vị đang tiếp tục triển khai hỗ trợ 2 doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP gồm Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) và hộ kinh doanh Anna Food (Gia Nghĩa).

Trong đó, phần lớn các đơn vị có sản phẩm OCOP được hỗ trợ về máy móc, thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn các cơ sở lập đề án sản xuất kinh doanh, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo bà Tôn Nữ Ngọc Như, Chủ hộ kinh doanh thu mua chế biến nông sản Như Ý (Tuy Đức), sau khi được chương trình khuyến công hỗ trợ, thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca sấy của cơ sở đã tương đối ổn định. Cơ sở có kế hoạch mở thêm hướng phát triển mới là sản xuất sữa mắc ca. Sản phẩm mới này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mới, mà còn phải chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến trong năm nay, cơ sở sẽ hoàn thiện các công đoạn để cho ra mắt thị trường sản phẩm mới này. "Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để các sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn", bà Như mong muốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm OCOP được "trợ lực"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO