Phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Văn Tâm| 12/12/2022 09:10

Thời gian qua, Chương trình OCOP được các cấp, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông rất quan tâm. Đây còn là nhiệm vụ trọng tâm để các địa phương xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm của 41 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đến từ các huyện, thành phố.

Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 42 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều có tính đặc trưng, tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Thời gian qua, việc triển khai Chương trình OCOP được các cấp, ngành và địa phương thực hiện lồng ghép với dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt kết quả tích cực.

Trong đó, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.

Hàng năm, ngành chuyên môn, địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tỉnh, ngành chức năng tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, sự kiện để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm…

“Mắc ca M’nông” của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) được công nhận OCOP hạng 3 sao

Các hoạt động này đã tạo động lực và điều kiện để các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường. Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Đắk Nông đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chương trình cũng có những tác động tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.

ADQuảng cáo

Chương trình OCOP còn tạo ra phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.

Các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đã gia tăng được giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, doanh thu của sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm.

Trên địa bàn tỉnh có 15 sản phẩm có giá bán tốt hơn sau khi được chứng nhận OCOP. Nổi bật như sản phẩm tiêu đen hữu cơ của HTX Hữu cơ Hoàng Nguyên; hạt mắc ca Như Ý của hộ kinh doanh Như Ý; “Mắc ca M’nông” của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực; Gạo ST25 của HTX Lúa gạo Buôn Choáh; cà phê của HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái…

Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Đắk Nông được người tiêu dùng đánh giá cao

Theo các chuyên gia, sản phẩm OCOP phần lớn là những sản phẩm có quy mô nhỏ, ở cấp độ làng xã, nhưng giá trị lại mang tầm quốc gia, quốc tế. Do đó, khi tham gia vào OCOP, đòi hỏi các chủ thể phải thay đổi hình thức canh tác đến tư duy bán hàng, quảng bá sản phẩm.

Mục tiêu của tỉnh khi triển khai Chương trình OCOP là khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo hướng đi mới cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Nhìn một cách tổng thể, mục tiêu này cơ bản đã đạt được. Bởi vì, Chương trình OCOP đã giúp các địa phương tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Nhờ có OCOP, các địa phương đã chú trọng, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tốt tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.

OCOP đã góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Quan trọng hơn, các sản phẩm OCOP đã mang lại thu nhập tốt hơn cho nhiều người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO