OCOP - Mang lại nhiều giá trị cho nông nghiệp

Kim Ngân| 05/12/2022 08:37

Chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả tốt trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, các chủ thể đã chú trọng hơn đến việc phát triển nông sản theo chuỗi giá trị, phát huy những lợi thế của địa phương, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

ADQuảng cáo

Trong nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, cà phê là loại cây trồng có ưu thế lớn về vùng trồng, thị trường và thu nhập đối với nông dân. Tuy nhiên, những năm qua, việc sản xuất cà phê của người dân chủ yếu tập trung theo hướng quảng canh.

Nông dân chỉ chú trọng tăng sản lượng bằng cách mở rộng diện tích. Trong khi việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nên hiệu quả mang lại từ cây cà phê không cao.

Chính vì thế, khi triển khai Chương trình OCOP, các chủ thể nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của các mô hình tổ chức sản xuất, chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Theo ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Thái (Krông Nô), năm 2020, HTX tham gia Chương trình OCOP. Sau đó, HTX có 2 sản phẩm là cà phê bột và cà phê phin được chứng nhận OCOP hạng 3 sao.

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tập huấn sản xuất cà phê hữu cơ tại xã Nâm Nung (Krông Nô)

Từ đó, HTX đã không ngừng nâng cấp, phát triển các sản phẩm. HTX tiến hành xúc tiến thương mại đa kênh, quảng bá sản phẩm trên thị trường toàn quốc và quốc tế…

Cùng với đó, HTX đã từng bước tìm ra hướng đi hợp lý trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, HTX đã nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm cà phê chất lượng cao Honey.

Ông Thành cho biết, HTX đang canh tác trên 500 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, với 240 thành viên liên kết. Vùng nguyên liệu của HTX trải rộng trên địa bàn 3 xã Nâm Nung, Tân Thành, Đắk Rô.

Đồng thời, HTX cũng có trên 80 ha cà phê đạt chứng nhận canh tác bền vững UTZ của Hà Lan, với sản lượng trên 200 tấn/vụ. Ngoài ra, HTX có 120 ha cà phê được cấp chứng nhận RA, với 60 hộ tham gia.

ADQuảng cáo

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô cho biết, HTX nông nghiệp Thanh Thái đã phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế cho hộ thành viên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Đặc biệt, HTX đã thành công trong việc xây dựng các sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm này đều gắn với việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Cánh đồng lúa VietGAP Buôn Choáh (Krông Nô) cung cấp nguyên liệu chính để sản xuất ra “Lúa gạo Krông Nô”

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay, Ðắk Nông có 47 sản phẩm OCOP, trong đó, có 5 sản phẩm OCOP hạng 4 sao; 42 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể như: măng cụt, sầu riêng, tiêu, cà phê, xoài, rau củ quả…

Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp văn bằng gồm: nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô”; "Măng cụt Gia Ân", "Sầu riêng Gia Trung"; nhãn hiệu tập thể "Tiêu Đắk Song". Mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có từ 1 - 3 sản phẩm đặc thù để tiến hành đăng ký bảo hộ.

Các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh đã được Công ty Cổ phần Tư vấn kinh tế và phát triển nông thôn Việt Nam đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử "Block Chain OCOP Việt Nam" để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo ra phong trào sản xuất hiện đại, chất lượng cao một cách mạnh mẽ.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. OCOP đã tạo "sức bật", góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP - Mang lại nhiều giá trị cho nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO