Lan tỏa “Thương hiệu Ðắk Nông” từ OCOP

Hà An| 30/11/2022 09:07

Ngày 12/12/2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2053 về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Đắk Nông xây dựng kế hoạch, khai thác tốt lợi thế các sản phẩm đặc trưng của tỉnh để triển khai lộ trình OCOP phù hợp.

ADQuảng cáo

Những kết quả bước đầu

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Đắk Nông đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Chương trình tạo ra phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, quảng bá hình ảnh Đắk Nông thông qua các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Sản phẩm OCOP là nông sản của tỉnh ngày càng khẳng định được thương hiệu và tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm

Tính đến 15/11/2022, Đắk Nông có 47 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP hạng từ 3-4 sao. Trong đó, nhóm sản phẩm thuộc ngành thực phẩm chiếm 50%; nhóm các ngành hàng khác chiếm 50%.

Sau khi đạt chuẩn, hầu hết chủ thể là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đều chú trọng đầu tư vào xây dựng vùng nguyên liệu, hạ tầng nhà xưởng, máy móc, bao bì, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP nhanh chóng tiếp cận được thị trường. Doanh thu của các sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm. Trong đó, nhiều sản phẩm có giá bán tốt hơn nhờ chứng nhận OCOP.

Nhóm sản phẩm có giá bán tốt hơn sau khi được chứng nhận OCOP: Tiêu đen hữu cơ của HTX NN TMDV hữu cơ Hoàng Nguyên; Hạt mắc ca Như ý của Hộ kinh doanh thu mua chế biến nông sản Như Ý; Hạt mắc ca Mơ Nông sấy của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực; Gạo ST24 Krông Nô của HTX SX lúa gạo Buôn Choáh; cà phê của HTX phát triển Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái…

Trên cơ sở những kết quả bước đầu, năm 2022, Đắk Nông đặt mục tiêu phấn đấu thúc đẩy từ 1-2 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2022; tổ chức đánh giá, phân hạng mới từ 10 sản phẩm trở lên tham gia Chương trình OCOP năm 2022.

Hiện nay, các cấp, ngành chức năng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp như phối hợp, tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng đạt chứng nhận 3-4 sao. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng được chú trọng nhiều hơn.

Từ những kết quả bước đầu, các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP. Qua các lần đánh giá xếp hạng cho thấy, các sản phẩm đã bám sát yêu cầu của chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý.

Đồ họa: V.D

ADQuảng cáo

Số hóa để lan tỏa

Một trong những hoạt động nổi bật thời gian qua là các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được cơ quan chức năng hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2022, gắn với các sự kiện văn hóa, chính trị, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm OCOP Đắk Nông tiếp tục được đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. Tổ chức tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm OCOP trong và ngoài nước.

Ngoài hoạt động truyền thông, quảng bá, góp sức để lan tỏa sản phẩm OCOP, thời gian gần đây, các chủ thể OCOP đang đẩy mạnh số hóa, giúp sản phẩm được tiếp cận thị trường trong và ngoài nước nhanh hơn. Số hóa cũng giúp sản phẩm OCOP bảo vệ được thương hiệu.

Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho 52 chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là tiếp tục triển khai cho các doanh nghiệp, HTX đăng ký dán tem QR code cho 100% sản phẩm tham gia OCOP.

Đồ họa: V.D

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, góp phần rút ngắn khoảng cách từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ.

Toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn TMĐT OCOP quốc gia (sanocop.vn). Ngoài ra, các cấp, ngành cũng đã hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các điểm giới thiệu sản phẩm của tỉnh, huyện...

Các sản phẩm OCOP sau khi tham gia sàn TMĐT được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, lượng hàng bán ra đạt doanh thu khả quan hơn. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư lớn hơn vào sản phẩm.

Sau hơn 4 năm định hình và phát triển, việc những đoàn khách đến Đắk Nông tìm mua mắc ca, cà phê, hồ tiêu… OCOP thời gian gần đây không còn là điều xa lạ. Các sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng, đã và đang lan tỏa một phần giá trị mang “thương hiệu Đắk Nông”. Đây vừa là vinh dự, cũng là trách nhiệm của mỗi chủ thể của các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận trong việc tiếp tục củng cố, nâng cao thứ hạng và giá trị lan tỏa chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Ðắk Nông xác định phát triển Chương trình OCOP là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Thời gian tới, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khắc phục những sản phẩm yếu kém, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa “Thương hiệu Ðắk Nông” từ OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO