Tự hào một thời “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ

Hoàng Thanh| 07/05/2020 08:26

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp được gặp ông Đỗ Sung (SN 1927) hiện ở tại tổ dân phố 3, thị trấn Đức An (Đắk Song). Ông Đỗ Sung nguyên là bộ đội chủ lực của Trung đoàn 803 (Sư đoàn 324)-Trung đoàn anh hùng của Liên khu 5, từng đánh cho quân Pháp tơi tả, không có cơ hội tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Một mình bắt sống được 2 lính Pháp

Mặc dù năm nay đã 93 tuổi, song ông Sung còn khá minh mẫn, kể tường tận quãng thời gian ông tham gia “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ năm nào.

Ông Đỗ Sung luôn cất giữ, trân trọng những kỷ vật từ thời tham gia kháng chiến chống Pháp

Theo ông Sung, tháng 12/1953, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 (gồm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên) quyết định mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm các đơn vị: Trung đoàn 108, Trung đoàn 803, Trung đoàn 120, cùng một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của liên khu và các lực lượng địa phương.

Đêm 26/1/1954, chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu, các đơn vị trên hướng Đường 19 - An Khê đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch. Đêm 27/1/1954, quân ta đồng loạt tiến công 3 cứ điểm Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy và đến sáng 28/1 làm chủ toàn bộ 3 cứ điểm. Như vậy, cụm phòng ngự then chốt của quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên đã bị đập tan chỉ trong vòng một đêm.

Phát huy chiến thắng, đầu tháng 2/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803 phát triển tiến công về hướng Pleiku. Ngày 17/2/1954, chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên kết thúc. Đây là chiến thắng lớn của quân dân Liên khu 5 trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Với thắng lợi này, vùng giải phóng đã mở rộng liên hoàn từ Quảng Nam-Quảng Ngãi lên Kon Tum sang Hạ Lào. Chiến trường Đông Dương đối với địch đã bị cắt đôi, thế trận phòng ngự của địch bị phá vỡ. Quân ta dồn địch từ thế tranh thủ tiến công để giành quyền chủ động sang thế quay về phòng ngự bị động chống đỡ.

Ngày 13/3/1954, khi quân ta mở màn tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì tại Liên khu 5, Trung đoàn 803 tiến xuống nam Đường 19 tập kích địch ở Plei Ring. Trận này ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 600 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới. Trong tháng 4/1954, Trung đoàn 803 cùng các lực lượng địa phương tiến công phá vỡ từng mảng phòng ngự của địch ở Nam Tây Nguyên.

Quân Pháp ở địa bàn Liên khu 5 co cụm vào các thị xã, thị trấn để phòng ngự. Như vậy, quân và dân Liên khu 5 đã đánh bại hoàn toàn âm mưu bình định của địch, góp phần "chia lửa" cùng chiến trường Điện Biên Phủ, cùng cả nước kết thúc thắng lợi 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong suốt thời gian “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ, đơn vị ông đánh giặc hết trận này đến trận khác, có mặt khắp chiến trường Tây Nguyên và vùng Phú Yên, Bình Định. Trong chiến đấu, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trung đoàn 803 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Ông Đỗ Sung kể: "Trong chiến dịch Plei Ring, tôi đã bắt sống được 2 lính Pháp. Tôi lúc đó là pháo thủ cối 60 ly, khi đang cùng đồng đội dội pháo vào địch thì có một nhóm lính Pháp tập kích. Dù trong tay không có súng, tôi cầm quả đạn cối 60 ly và con dao chạy theo hai tên lính, gần bìa rừng thì quật ngã được cả hai tên. Tôi lấy dây rừng trói chúng lại và bắt chúng tháo giày dẫn về, vừa kịp lúc đồng đội tiếp ứng. Với chiến công này, trong lễ mừng chiến thắng sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được tuyên dương toàn quân khu và nhận huy chương”.

Mừng vì thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, độc lập

Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông Sung làm công tác quân quản tại Bình Định, đến ngày 16/5/1955 thì tập kết ra miền Bắc, làm công nhân xí nghiệp quốc phòng 22/12, đóng tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Do sức khỏe yếu, năm 1968 ông được về hưu. Trong thời gian ở xí nghiệp 22/12, ông đã kết duyên với một nữ công nhân cùng đơn vị. Ông bà sinh được cả thảy 8 người con (3 trai, 5 gái). Đến năm 1979, ông đưa gia đình về quê tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (Bình Định) sinh sống. Đến năm 2004, ông theo các con lên sinh sống tại tổ dân phố 3, thị trấn Đức An (Đắk Song) cho đến tận bây giờ.

Ông Sung tâm tình: "Bây giờ, tôi luôn cảm thấy ấm áp vì nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền, đoàn thể. Tôi đã từng trải qua chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do. Tôi mừng vì thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có các con, cháu tôi được sống trong hòa bình, độc lập, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Theo ông Nguyễn Đình Liên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đắk Song, ông Sung hiện là 1 trong 13 cựu chiến binh tham gia chống Pháp hiện còn sống trên địa bàn huyện. Mặc dù tuổi cao song ông Sung vẫn còn trí nhớ tốt. Trước đây, khi còn khỏe, vào những dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, 30/4… nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn mời ông tới nói chuyện truyền thống. Vào các ngày lễ, tết, các đoàn thể, chính quyền các cấp đều đến thăm hỏi, chuyện trò cũng như săn sóc các cụ những lúc ốm đau, bệnh tật nhằm chia sẻ với gia đình.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào một thời “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO