Thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng

Hoàng Hoài| 05/02/2020 09:34

Thời gian qua, tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng trên địa bàn tỉnh tăng qua từng năm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đảng viên cũng như sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.

ADQuảng cáo

Theo đồng chí Phạm Văn Đức, Trưởng Phòng tổ chức Đảng và đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy), nguyên nhân đảng viên bỏ sinh hoạt có xu hướng tăng, trước hết là do công tác giáo dục bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến ý thức chính trị tư tưởng, tính gương mẫu của đảng viên chưa cao. Tại nhiều nơi, vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong quản lý phát triển đảng viên chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát. Chất lượng sinh hoạt chi bộ còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của cán bộ, đảng viên khi đứng trong tổ chức đảng. Tại một số chi bộ việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên không thường xuyên; chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, dẫn đến tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt, đảng viên ra khỏi Đảng. Bên cạnh đó, động cơ phấn đấu vào Đảng của một số đảng viên không đúng đắn, rõ ràng, vì lợi ích cá nhân, do đó khi không đạt được thì giảm sút ý chí chiến đấu, không còn tha thiết với Đảng. Một nguyên nhân nữa là do phần lớn đảng viên ở khu vực nông thôn, quân nhân xuất ngũ điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không tìm được việc làm tại địa phương, phải đi làm ăn xa nên dẫn đến bỏ sinh hoạt…

Một buổi sinh hoạt của đảng viên Chi bộ thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Cũng theo đồng chí Phạm Văn Đức, để tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên, hạn chế việc xóa tên đảng viên trong các chi, đảng bộ, thời gian tới, các cấp ủy đảng cần làm tốt công tác giáo dục, chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ nhằm xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất, đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiên phong gương mẫu, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc tăng cường công tác quản lý đảng viên gắn với phân công nhiệm vụ, các tổ chức cơ sở đảng cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đảng viên. Các cấp ủy phải thực hiện tốt việc phân công công tác cho đảng viên bảo đảm mọi đảng viên trong chi bộ đều được phân công công việc phù hợp với trình độ, năng lực, sức khỏe. Việc tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần được coi trọng, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt phải gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

ADQuảng cáo

Đối với những đảng viên có ý định đi làm ăn xa thì cần nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm trong việc chuyển sinh hoạt Đảng khi thay đổi nơi cư trú, chuyển công tác, làm việc lưu động. Việc miễn, tạm miễn sinh hoạt Đảng cần được thực hiện đúng đối tượng, nguyên tắc, nguyện vọng; quan tâm tới việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên bảo đảm đi vào thực chất. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, các cấp ủy, đặc biệt là cấp ủy cơ sở cần có các biện pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa chặt chẽ hơn; tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt với tổ chức đảng nơi đảng viên đến làm việc, cư trú, coi đây là yêu cầu bắt buộc trong công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 10/12 đảng bộ trực thuộc tỉnh có đảng viên bỏ sinh hoạt với 216 đảng viên. Trong đó, đảng viên nữ 38 người, dân tộc thiểu số 22 người, tôn giáo 14 người, đảng viên không chuyên trách cấp xã trở lên 14 người, đảng viên ở cấp thôn 26 người, 37 quân nhân xuất ngũ, 6 cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác, 32 doanh nghiệp và lao động hợp đồng tự do. Từ đó có thể thấy, đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng chủ yếu rơi vào các trường hợp là đảng viên nông thôn, quân nhân xuất ngũ. Số đảng viên bỏ sinh hoạt có xu hướng gia tăng, năm sau cao hơn trước. Năm 2015, toàn tỉnh có 20 đảng viên bỏ sinh hoạt; năm 2016 có 30 người; năm 2017 có 47 người, năm 2018 có 66 người và chỉ 4 tháng của năm 2019 là 53 người. Đây là thực tế đáng báo động trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên hiện nay.

Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên để giáo dục, phòng ngừa đảng viên sai phạm, khuyết điểm; kiểm tra làm rõ, xử lý kịp thời đối với những đảng viên có dấu hiệu vi phạm, có dư luận và có đơn thư khiếu nại, tố cáo cần được tăng cường. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng cần phải chú trọng quy trình kết nạp đảng viên từ khâu phát hiện tạo nguồn, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng đến việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về mục tiêu lý tưởng của Đảng trước khi kết nạp. Cấp ủy, chi bộ cũng phải thường xuyên theo dõi quá trình rèn luyện thử thách của đảng viên và quần chúng. Nội dung, chương trình các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và các lớp bồi dưỡng đảng viên mới cũng cần được đổi mới.

Đặc biệt, các tổ chức cơ sở đảng cần rà soát, sàng lọc đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng nhằm củng cố, xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO