Thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

TTXVN| 21/05/2018 15:01

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 21/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo “đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017. Trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).

Những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.

Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...

Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: Nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,5% (cùng kỳ 7%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 52,7 điểm, đứng trong nhóm đầu ASEAN.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ở trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhất là tiếp tục đà phát triển tốt của năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại hiệu ứng tích cực; nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phát triển tốt.

Tuy nhiên, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp; thiếu nhân lực chất lượng cao; công nghệ sản xuất và năng lực quản trị ở nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp còn lạc hậu; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ cương, kỷ luật nhiều nơi chưa nghiêm.

Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và củng cố quốc phòng, an ninh là rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống...

Từ đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, nhất là năm 2017 và những tháng đầu năm 2018; quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chủ động theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng giải quyết các vấn đề mới phát sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO