Sự cần thiết xây dựng tuyến đường sắt đa dụng Tây Nguyên: Phá thế độc đạo về giao thông

Tường Mạnh| 17/01/2017 14:15

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị nhiều vấn đề, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo đó, trong thời gian qua, Trung ương đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường sắt đa dụng Tây Nguyên nhằm khắc phục tình trạng độc đạo của tuyến quốc lộ 14 trong phát triển kinh tế của vùng hiện nay. Đồng thời, với đặc điểm của vận tải đường sắt, thì khối lượng hàng hóa lớn của vùng, nhất là về nông sản, Alumin, nhôm… sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu thụ hơn. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem việc đầu tư tuyến đường sắt đa dụng vùng Tây Nguyên là dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và nghiên cứu huy động nguồn lực triển khai trong năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Đức Diệu

Thực tế, vấn đề đầu tư xây dựng đường sắt ở Tây Nguyên cũng đã đề cập từ nhiều năm qua. Tháng 8/2010, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc đầu tư thực hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít, đã có báo cáo ban đầu với Chính phủ về các căn cứ, định hướng cũng như các điều kiện cơ bản triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt này. Hướng triển khai theo tinh thần của Chính phủ là xây dựng, phát triển một tuyến đường sắt đa dụng vừa phục vụ ngành công nghiệp nhôm vừa phục vụ cả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Lúc bấy giờ, nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng, dự án xây dựng tuyến đường sắt đa dụng Tây Nguyên là dự án lớn, tầm cỡ quốc gia nhằm phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp nhôm và kinh tế - xã hội khu vực nên cần nghiên cứu triển khai cho có hiệu quả nhất. Về phía Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, sự cần thiết đầu tư, khẩn trương xây dựng các phương án triển khai tuyến đường sắt nối từ Tây Nguyên xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận) theo hướng đa dụng, hiệu quả nhất để phục vụ ngành công nghiệp nhôm và kinh tế - xã hội khu vực.

Mới đây nhất là vào tháng 7/2016, khi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa làm việc tại tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong đó, tỉnh kiến nghị, đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải triển khai đầu tư tuyến đường sắt để phá thế độc đạo về giao thông. Bởi vì, hiện Đắk Nông vẫn có những tắc nghẽn trong phát triển do hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm, nhất là sau khi Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông đi vào hoạt động. Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải cần nắm rõ hơn thực tế hạ tầng giao thông của tỉnh để có hướng ưu tiên tham mưu Chính phủ bố trí nguồn vốn, nhất là với những công trình cấp bách và những dự án chiến lược như đường sắt…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị tỉnh cùng với Bộ nghiên cứu phương án khả thi để có được gói đầu tư hạ tầng đồng bộ đề xuất với Chính phủ. Riêng đối với đường sắt thì tầm quan trọng đã rõ nên Bộ sẽ báo cáo Quốc hội và Chính phủ có hướng triển khai.

Rõ ràng, việc tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị, mong muốn Chính phủ quan tâm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đa dụng Tây Nguyên là hợp lý, đúng với tinh thần chủ trương chung của Trung ương nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn.

Với khối lượng vận tải 2 chiều tính đến 2025 khoảng 23,9 triệu tấn hàng hóa/năm và 462.000 hành khách/năm, hướng tuyến được lựa chọn ban đầu là từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Tân Rai (Lâm Đồng) - Kê Gà (Bình Thuận). Công nghệ đường sắt đôi khổ 1,435m, chiều dài tuyến khoảng 248 km, trong đó chiều dài cầu khoảng 52km và 15km hầm. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 55.613 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự cần thiết xây dựng tuyến đường sắt đa dụng Tây Nguyên: Phá thế độc đạo về giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO