Quảng Đức “chia lửa” Tết Mậu Thân - 1968

Tường Mạnh| 12/02/2018 07:55

Hòa cùng khí thế hào hùng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968, chiến trường Quảng Đức cũng có nhiều hoạt động vũ trang sôi động, cùng với các chiến trường khắp miền Nam giáng cho chính quyền Mỹ-ngụy một đòn chí tử.

ADQuảng cáo

Di tích Khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung được phục dựng, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Ảnh: Đức Hùng

Ban hành lang đi về như con thoi

Năm nay đã 75 tuổi, nhưng ông Lê Trúc Phương (nguyên Chánh Văn phòng Ban hành lang tỉnh Quảng Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk Nông) vẫn nhớ như in dịp Tết Mậu Thân-1968 cách nay tròn 50 năm, khi còn ở vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung. Khi chúng tôi hỏi chuyện, ký ức về một thời gian khổ nhưng hết sức hào hùng của những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhất là giai đoạn cách mạng chuyển sang thế chủ động tấn công trên khắp chiến trường miền Nam bỗng ùa về trong ông, với bao cảm xúc bồi hồi khó tả.

Theo lời ông Phương kể, Ban hành lang tỉnh Quảng Đức lúc đó, ngoài việc đưa đón cán bộ, bộ đội trên dọc tuyến đường hành lang chiến lược Bắc-Nam thì chủ yếu là làm nhiệm vụ thông tin liên lạc ở khu vực các huyện Đức Lập, Kiến Đức và phân khu Đức Xuyên...Vì vậy, vào thời điểm Tết Mậu Thân-1968, khi Trung ương Đảng có chủ trương mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam thì Ban hành lang phải đảm đương một khối lượng lớn công việc gấp nhiều lần so với trước đó để chuyển các mật lệnh, công văn, điện khẩn chỉ đạo của cấp trên đến với các đơn vị. Ai nấy đều rất phấn khởi, vui mừng vì biết quân ta sắp đánh lớn, đánh mạnh vào sào huyệt của Mỹ-ngụy ở miền Nam.

Ông Phương nhớ lại, lúc đó Ban hành lang chỉ có khoảng 20 người. Vào dịp Tết Mậu Thân, mật lệnh, công văn hỏa tốc từ cấp trên đưa xuống rất nhiều, nên mỗi chiến sĩ hành lang đều phải tăng cường làm việc không kể ngày đêm. Đâu phải liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến mà tất cả đều bằng đôi chân là chính và mỗi lần đi đều phải trèo đèo, lội suối, băng rừng cả hàng chục cây số chứ đâu ít. Anh em chia thành các tổ, đi về như con thoi khắp các hướng, bất kể ngày đêm, hễ có mật lệnh, điện khẩn của trên đưa tới là phải lập tức lên đường ngay. Hồi đó, anh em cũng có vài chiếc đèn pin để đi đêm nhưng pin thì hiếm lắm, mua được cặp pin phải ra tận Gia Nghĩa, có lúc phải hy sinh cả tính mạng. Phải đi đêm nhiều, hết pin, anh em lắm lúc phải chẻ gỗ thông để làm đuốc soi đường mà đi.

Công việc nhiều, phải đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên đối với chiến trường nhưng Ban hành lang đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Chỉ tính từ đêm mùng 1 đến hết ngày mùng 3 Tết Mậu Thân-1968, đã có trên 20 bức điện hỏa tốc, thượng khẩn, tối mật được Ban hành lang chuyển đi, với tinh thần khẩn trương nhất, để phục vụ sự chỉ đạo của cấp trên.

Tết Mậu Thân năm đó, khi khắp miền Nam ào ào khí thế tấn công và nổi dậy của quân và dân ta, anh em ở vùng căn cứ Nâm Nung phấn khởi lắm, vì đã đóng góp một phần công sức cho chiến dịch. Tuy nhiên, do thiếu thốn đủ đường, đói cơm, lạt muối, gạo không có, anh em phải lấy sắn tươi mài ra để gói bánh tét, gọi là cho có hương vị tết. Một cái tết đơn sơ, thiếu thốn, nhưng ai nấy đều mừng vì “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà", như lời bài thơ chúc Tết của Bác Hồ lúc đó vang lên làm hiệu lệnh tổng tấn công.

ADQuảng cáo

Trong câu chuyện của mình về Tết Mậu Thân-1968, ông Phương cũng bồi hồi về kỷ niệm mà ông nhớ nhất, đó là hình ảnh đồng chí Lâm Văn Thôn, trung đội trưởng quê ở Tây Ninh. Đúng vào mùng 3 Tết, trước khi chuẩn bị lên đường tham gia trận đánh ở Gia Nghĩa, đồng chí Thôn đến Ban hành lang thăm anh em và tếu táo nói: “Tôi để lại cho anh em chiếc bi-đông và chiếc thắt lưng, chứ đem theo lỡ chết, mất đi thì uổng lắm”. Anh em ôm lấy nhau bùi ngùi và chúc anh Thôn vào trận chiến thắng, bình an trở về. Vậy mà chuyến đi đó, anh Thôn đi mãi không về, hy sinh trong niềm thương tiếc của đồng đội.

Hoàn thành nhiệm vụ phục vụ hành lang

Trong cuốn Lịch sử Đường hành lang chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (1954-1975) vừa mới phát hành tháng 10/2017 cũng đã có mô tả về thời điểm Tết Mậu Thân-1968 trên địa bàn tỉnh Quảng Đức. Lúc bấy giờ, thực hiện phương hướng chỉ đạo chiến lược mới, Tỉnh ủy Quảng Đức đã nhanh chóng, khẩn trương chuyển địa bàn lãnh đạo của tỉnh và các cơ quan phục vụ về hướng nam Nâm Nung nhằm tập trung chỉ đạo các huyện Đức Lập, Kiến Đức, nhất là thị xã Gia Nghĩa để tiến công địch theo các hướng.

Trên địa bàn tỉnh, ngày 8/1/1968, trận đánh mở đầu chiến dịch Tết Mậu Thân-1968 là trận đánh giao thông bằng việc phục kích trên đường từ Nhân Cơ đi Gia Nghĩa đã giành được thắng lợi, làm cho địch hoang mang. Đây là trận đánh táo bạo, chỉ cách thị xã 15 km, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hỗ trợ tích cực phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân các dân tộc ở ấp chiến lược vùng Kiến Đức.

Vào lúc giao thừa Tết Mậu Thân-1968, quân dân Tây Nguyên cùng với quân dân cả miền Nam đồng loạt nổ súng tấn công vào các đô thị, quận lỵ của địch. Do điều kiện khách quan, đến đêm hôm sau, trên địa bàn tỉnh Quảng Đức mới bắt đầu cuộc tổng tấn công. Tiểu đoàn chủ lực của ta do khu X tăng cường chia làm nhiều mũi, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tấn công vào các cứ điểm như thị xã, sân bay, làm chủ đoạn đường 14 từ Đức Lập đi Đắk Song và Gia Nghĩa.

Tại Gia Nghĩa, khi tiểu đoàn chủ lực tiến đánh sân bay thị xã, một tiểu đội địch canh giữ tại đây chống cự yếu ớt, sau ít phút thì bỏ chạy. Tại Kiến Đức, các trung đội của C20, C28 và đội công tác C9 bất ngờ tập kích vào các ấp chiến lược, buộc địch phải tháo chạy. Tại Đức Lập, một trung đội địa phương đã đột nhập làm chủ các ấp chiến lược và pháo kích quận lỵ Đức Lập, bao vây Đức Xuyên.

Ngoài lực lượng của tỉnh trực tiếp tham gia tấn công và nổi dậy tại địa phương, Quảng Đức còn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ hành lang, đưa Trung đoàn 33 chủ lực B3 (Tây Nguyên) hành quân, bất ngờ tấn công vào Buôn Ma Thuột và rút lui an toàn. Nhân dân, thanh niên ở vùng căn cứ Nâm Nung xung phong đi dân công tải đạn, vũ khí, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men từ các kho dự trữ ở bên kia biên giới Campuchia về phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968, mặc dù không phải là chiến trường chính nhưng quân và dân tỉnh Quảng Đức đã góp phần “chia lửa” với các chiến trường ở miền Nam. Lực lượng cách mạng đã tấn công vào tận sào huyệt của địch ở thị xã và làm chủ được một thời gian, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giải phóng nhiều đồng bào trong các ấp chiến lược. Chiến công của quân và dân Quảng Đức đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968 trên toàn miền Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Đức “chia lửa” Tết Mậu Thân - 1968
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO