Quan điểm của Đảng về báo chí thời kỳ đổi mới

H.V.M| 20/06/2018 10:48

Trên cơ sở những văn kiện của Đảng, có thể thấy quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quá trình quản lý nhà nước về báo chí cũng như phát triển báo chí – truyền thông phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác nghiệp tại một buổi họp báo do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: Q.S

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã khẳng định: Công tác báo chí là một bộ phận cấu thành hữu cơ trong bộ máy hoạt động của Đảng ta, là yếu tố cầu thành hoạt động tư tưởng, lý luận. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lí của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc định hướng chính trị và thông qua nhà nước, thông qua công tác tổ chức - cán bộ, thông qua giám sát, kiểm tra hoạt động thường xuyên trong thực tiễn. Quản lý nhà nước về báo chí còn bằng  sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.”

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 1/2015) đã nêu rõ quan điểm định hướng cho sự phát triển của báo chí Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí với những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân cụ thể; đồng thời, thấy rõ xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, Trung ương khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; với năm quan điểm chỉ đạo quy hoạch, cụ thể:

Một là, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Hai là, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, nâng cao năng lực, xây dựng nền báo chí nước ta cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành tựu công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam.

Ba là, Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Bốn là, phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học – công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới.

Năm là, kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên mạng Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa XII (ngày 7/7/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa đã nhấn mạnh nhiệm vụ công tác tư tưởng mà toàn Đảng cần quan tâm: “Chú trọng công tác tư tưởng, tuyên truyền, báo chí, thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội; kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, phản bác những luận điệu sai trái”. Đối với công tác báo chí:

- Tăng cường lãnh đạo, quản lý, phát triển hệ thống báo chí - truyền thông nhằm phát huy tốt nhất vai trò của báo chí - truyền thông trong việc thông tin, tuyên truyền, thực hiện các nhiệm vụ công tác tư tưởng, hạn chế những tác động tiêu cực. Coi trọng việc phát hiện biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội. Không ngừng nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hệ thống báo chí.

- Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí. Coi trọng công tác xây dựng Đảng, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí. Làm tốt công tác định hướng thông tin, kịp thời cung cấp tài liệu cho báo chí, nhất là đối với những vấn đề, sự kiện quan trọng, nhạy cảm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống báo chí - truyền thông đại chúng, tránh trùng lặp, chồng chéo về chức năng.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực báo chí - truyền thông, làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các hội nghề nghiệp và từng cơ quan báo chí - truyền thông. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy ước về đạo đức nghề nghiệp và giáo dục cán bộ tự giác thực hiện.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và những hiểu biết về quan hệ quốc tế cho đội ngũ những người làm báo. Thường xuyên rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý báo chí; thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua - khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cán bộ có năng lực, đủ phẩm chất cho hệ thống báo chí. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn lực và cơ chế để các cơ quan báo chí chủ lực nâng cao chất lượng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội.

- Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, làm tốt công tác quảng bá hình ảnh đất nước, các giá trị văn hóa đặc trưng của đất nước và con người Việt Nam đến với nhân dân và bạn bè trên thế giới. Làm tốt công tác hướng dẫn nhân dân trong việc tiếp thu những giá trị văn hóa tích cực, tiến bộ của nhân loại; cảnh giác, ngăn chặn sự du nhập những sản phẩm văn hóa độc hại, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và các giá trị nhân văn, tiến bộ của nhân loại.

Với vai trò quản lý, Nhà nước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành hệ thống chính sách, pháp luật… tạo nên hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí. Đến nay, hệ thống văn bản quản lý, chế độ, chính sách đối với báo chí nước ta đã tương đối hoàn chỉnh. Sự QLNN còn thể hiện trong công tác quy hoạch hợp lý hệ thống báo chí nhằm tạo sự thống nhất, tính hợp lý để báo chí có thể phát huy tốt nhất hiệu quả thông tin, tuyên truyền phục vụ nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các hiện tượng, vụ việc phát sinh cụ thể…

Trong suốt chặng đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí nước ta đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội; đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với báo chí không những không làm hạn chế việc thông tin tuyên truyền của báo chí, sự tự do sáng tạo của người làm báo mà còn giúp báo chí phát triển đúng theo mục tiêu, định hướng, tôn chỉ, mục đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan điểm của Đảng về báo chí thời kỳ đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO