Những cựu phóng viên chiến trường và tấm ảnh kỷ niệm ở Trường Sơn

Hoàng Thanh| 21/06/2019 10:16

Tối 13/5, tại thị xã Gia Nghĩa, VTV8 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây-Giao điểm Trường Sơn” chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019).

Đan xen các tiết mục ca múa nhạc với những bài ca hùng tráng về Trường Sơn đã đi cùng năm tháng là các phóng sự về Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh và chương trình giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Trong số những nhân chứng lịch sử tham gia giao lưu tại chương trình có ông Phạm Cao Phong, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và 5 người bạn cũ. 46 năm trôi qua, ngay tại chương trình giao lưu, những người bạn cũ đã có dịp gặp lại nhau và tái hiện bức ảnh lịch sử giữa Đường Trường Sơn năm nào.

Bức ảnh 5 người bạn năm xưa tại Ngã ba Đông Dương và hiện tại tại Chương trình nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây-Giao điểm Trường Sơn”

Tâm sự tại buổi giao lưu, ông Phạm Cao Phong cho biết, vào đầu năm 1973, ông và nhiều sinh viên học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đó đang làm luận văn, chưa bảo vệ, nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên lên đường vào Nam. Với hành trang là 1 chiếc máy ảnh, ông cùng bộ đội chủ lực hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Sau hàng tháng trời hành quân ròng rã, vượt qua bao gian khổ, ông vào đến Ngã ba Đông Dương (Kon Tum). Tại đây, ông đã tình cờ gặp được 5 người bạn cùng lớp, cùng trường theo các đoàn quân cùng tề tựu. Gặp nhau, mọi người mừng lắm vì tất cả đều còn sống, lành lặn mặc dù đã gầy, đen đi nhiều.

Dưới tán rừng, ông Phong và 5 người bạn của mình bên ấm nước chè rừng nấu vội tâm sự về những gian khổ trên đường hành quân và động viên nhau cố gắng chụp được thật nhiều tấm ảnh, viết được nhiều tin, bài hay về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trên khắp chiến trường. Trước giờ chia tay, ông Phong đã chụp cho 5 người bạn 1 tấm ảnh, ghi lại kỷ niệm đáng nhớ này. Sau đó những người bạn lại chia làm nhiều ngả, người theo đoàn quân tiến về Đông Nam bộ, người ở lại chiến trường Tây Nguyên... Riêng ông Phong thì ở lại chiến trường khu 5.

Trong suốt thời gian từ năm 1973 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Phạm Cao Phong đã ghi lại được nhiều tấm ảnh quý về cuộc sống, chiến đấu của bộ đôi, du kích, người dân trên chiến trường. Trong số đó, hiện còn nhiều tấm ảnh được lưu làm tư liệu tại TTXVN. Theo ông Phong, lúc bấy giờ chiến trường rất khốc liệt, ông cũng không hiểu vì sao sau nhiều trận bom đạn ác liệt mà ông vẫn sống sót. Có những trận đánh, địch bắn vãi đạn như mưa, ông vẫn đứng để ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng của bộ đội ta.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Phong trở về tiếp tục bảo vệ luận văn và công tác tại TTXVN cho đến ngày về nghỉ hưu theo chế độ. Những người bạn ông, nhất là 5 người bạn được ông chụp ảnh tại Ngã ba Đông Dương năm nào cũng vậy, đều trở về và tiếp tục học nhưng ít khi họ gặp nhau đông đủ. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn cả 6 người bạn cũ mới có dịp gặp lại nhau và đặc biệt hơn là ngay tại chiến trường xưa, biết bao kỷ niệm. Tại buổi gặp mặt, các ông đã cùng nhau tái hiện lại bức ảnh năm nào.

PGS.TS Nguyễn Đình Lê, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Sau khi chia tay các người bạn tại Ngã ba Đông Dương, tôi theo đoàn quân chủ lực về vùng Đắk Song (Đắk Nông ngày nay). Tại đây, tôi có nhiều tấm ảnh quý, chân thực về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân địa phương. Tuy nhiên, cuối năm 1973, trong một trận đánh, tôi bị thương và bị cháy nhiều cuốn phim quý giá. Nếu còn thì đó sẽ là những tấm ảnh lịch sử vô cùng quý giá”.

Còn theo ông Ngô Ngọc Thắng, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 1, sau khi chia tay các bạn, ông vào chiến trường Đông Nam bộ và năm 1975 tiến vào giải phóng Sài Gòn và chụp được nhiều tấm ảnh quý, chân thực. Ông Nguyễn Tất Vinh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hải Phòng thì chia sẻ, tại chiến trường, ông đã chụp được nhiều tấm ảnh ghi lại những tội ác của giặc như tàn sát người dân vô tội, đốt phá nhà cửa… Những tấm ảnh chụp tại chiến trường được các ông gửi ra kịp thời đăng tải trên các tờ báo của ta lúc bấy giờ.

Sau ngày giải phóng, theo sự phân công của tổ chức, các nhân vật của bức ảnh năm xưa tại Ngã ba Đông Dương mỗi người một công việc khác nhau, có nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Chỉ có ông Phạm Cao Phong là tiếp tục theo đuổi nghề báo. Tại buổi giao lưu, các ông đều cho biết, những ngày tháng làm phóng viên trên chiến trường đã hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm với Nhân dân, với Đảng.

Qua câu chuyện của những nhà báo đáng kính một thời khói lửa, những người làm báo hôm nay học tập được ở họ nhiều điều, đó là lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm, chân thực của nhà báo dù ở bất cứ thời điểm nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cựu phóng viên chiến trường và tấm ảnh kỷ niệm ở Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO