Chính trị

Mô hình và hoạt động báo chí địa phương trước yêu cầu mới

Ngọc Tú - Phong Vũ 20/06/2022 14:20

Thông tin trong xã hội ngày nay nhiều, nhanh, đa chiều hơn rất nhiều. Điều đó rất khác so với mô hình thông tin tuyến tính của báo chí truyền thống. Điều đó đã tác động và đòi hỏi báo chí phải thay đổi mô hình hoạt động và cách tiếp cận, truyền tải thông tin.

phong-cach-ngon-ngu-bao-chi.jpg

Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi rất lớn về cách truyền và nhận thông tin. Mỗi công dân đều có thể là một người cung cấp thông tin cho cộng đồng. Họ đồng thời là người tiếp nhận thông tin qua rất nhiều nguồn tin và phương tiện truyền tải thông tin.

Thông tin trong xã hội ngày nay nhiều, nhanh, đa chiều hơn rất nhiều. Điều đó rất khác so với mô hình thông tin tuyến tính của báo chí truyền thống. Điều đó đã tác động và đòi hỏi báo chí phải thay đổi mô hình hoạt động và cách tiếp cận, truyền tải thông tin.

hoa-van.jpg
tit1.jpg

Thông tin báo chí truyền thống luôn vận hành tuyến tính từ thu thập thông tin (của phóng viên, cộng tác viên, biên tập viên – sau đây gọi tắt là tác giả) đến sản xuất (biên tập, chế bản, sản xuất hậu kỳ) và phân phối (phát hành, đăng tải, phát sóng…).

dh1.jpg
Mô hình báo chí truyền thống mang tính tuyến tính

Sau khi thu thập thông tin, dữ liệu… tác giả sẽ hình thành bản thảo gửi bộ phận sản xuất. Bộ phận này sẽ tổ chức biên tập qua một số bước để bản thảo được trình bày, dàn dựng… để “đóng gói” và trình duyệt. Tiếp đó sản phẩm được tổ chức in, đăng tải, phát sóng. Sau quá trình này, thông tin của báo chí mới đến với công chúng.

dh2.jpg

Một hạn chế nữa của mô hình thông tin tuyến tính là tính tương tác ít ỏi, bị động. Quá trình thu thập, xử lý thông tin của tác giả, dù có chủ đích kiểm chứng, “mổ xẻ” từ nguồn tin (hoặc các nguồn tin khác nhau) thì vẫn ở góc nhìn của tác giả là chủ yếu.

Trên cơ sở thông tin, dữ liệu có được, tác giả chọn lựa để đưa vào tác phẩm của mình. Bộ phận sản xuất có thể giúp tác giả xử lý thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn nhưng cơ bản vẫn ở thế bị động.

Mặt khác, trong nội bộ cơ quan báo chí, có thể những tác giả, bộ phận khác… có nguồn tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm của tác giả nhưng cũng rất ít hoặc khó tương tác hiệu quả với tác giả để thông tin đưa vào tác phẩm báo chí “đầy đặn”, sinh động, đa chiều hơn.

Với công chúng, họ phải “chờ” bài báo, thông tin đến với họ sau đó mới có “cơ sở” để phản hồi, tương tác với tác giả, tòa soạn. Quá trình xử lý thông tin phản hồi, tương tác với công chúng báo chí thường theo mô hình tuyến tính, tương tự như quá trình xử lý tin bài.

dh3.jpg
Báo chí truyền thống phân phối nội dung cho công chúng theo mô hình "một kiểu cho tất cả"

Thông tin báo chí của mô hình truyền thống, sau khi qua các khâu sản xuất sẽ được “đóng gói” và phân phối đến công chúng thông qua các kênh của tòa soạn (sản phẩm in, hệ thống truyền dẫn, phát sóng… của cơ quan báo chí) .

Thông tin báo chí thông qua các kênh trên của cơ quan báo chí cơ bản theo một kiểu “đóng gói” cho tất cả các nhóm công chúng. Vì “đóng gói” sẵn nên ngày nay, sản phẩm đó không phát huy tối đa giá trị thông qua các hình thức truyền tải thông tin hiện đại dựa trên nền tảng internet và kỳ vọng của công chúng (cá biệt hóa theo từng nhóm công chúng và đa nền tảng, đa phương tiện hơn...).

truyen-thong.jpg
Báo chí truyền thống...
hien-dai.jpg
...và báo chí hiện đại
hoa-van.jpg
tit2.jpg

Các nhà nghiên cứu khái quát mô hình báo chí mới với nhiều thay đổi so với truyền thống.

Mô hình và quy trình thu thập, xử lý, phân phối thông tin báo chí theo mô hình và quy trình mới sẽ thoát khỏi kiểu tuyến tính và “đóng gói” sản phẩm của mô hình truyền thống. Trong từng khâu có sự đan xen tiếp cận, xử lý và phân phối ngay.

adobestock.jpg

Quá trình phân phối cũng tiếp cận các phản hồi, tương tác và bổ sung ngay vào quá trình thu thập, sản xuất thông tin. Ví dụ, việc tổ chức tuyến tin bài nhân các hoạt động, sự kiện lớn, cơ quan báo chí có thể thực hiện gần như trực tiếp. Trong quá trình đó, tòa soạn sẽ liên tục cung cấp thông tin đồng thời đón nhận phản hồi và tăng cường tương tác với công chúng. Thông qua quá trình tương tác giúp bộ phận sản xuất hiểu hơn “khách hàng” và sản phẩm của mình như thế nào. Từ đó có những điều tiết trong sản xuất.

Việc thu thập, trao đổi thông tin giữa tác giả và tòa soạn có thể được kết nối, xử lý gần như đồng thời nên rút ngắn thời gian sản xuất. Thời gian thu thập, sản xuất nhanh nên sản phẩm phân phối đến công chúng cũng nhanh hơn. Nhờ công nghệ, nên trong tòa soạn (kể cả phóng viên và những người tham gia sản xuất) được tiếp cận, bổ sung, góp phần hoàn thiện sản phẩm dù ở bất kỳ giai đoạn nào. Do đó, thông tin trong tác phẩm sẽ đầy đủ hơn.

dh5.jpg

Về phân phối, ngày nay, kênh phân phối nội dung được mở rộng không chỉ qua sản phẩm in, hệ thống phát sóng mà còn qua các hình thức khác dựa trên nền tảng internet (website, mạng xã hội, app của cơ quan báo chí…).

Quá trình phân phối theo mô hình mới không còn “đóng gói” cho tất cả các nhóm công chúng. Nhờ công nghệ, các thuật toán có thể giúp phân tích hành vi người dùng và gửi thông tin sát với nhu cầu của từng nhóm công chúng. Quá trình đó tác động trở lại đến bộ phận sản xuất để sản xuất hoặc “đóng gói” các sản phẩm đến từng nhóm công chúng phù hợp hơn. Như vậy quá trình thu thập thông tin để sản xuất sản phẩm không còn phụ thuộc vào mỗi tác giả và nội bộ tòa soạn. Hệ thống thu thập thông tin, tương tác, phân tích dữ liệu người dùng sẽ giúp tòa soạn và tác giả có thêm nhiều nguồn tin để các sản phẩm đáp ứng tốt hơn đến từng nhóm người dùng.

dh6.jpg

Với báo in, quá trình trên vẫn mang lại hiệu quả cao. Nó giúp cho tòa soạn báo in “gần” hơn với độc giả. Qua các kênh của báo điện tử, mạng xã hội, tòa soạn của cơ quan báo in vẫn tương tác tốt với độc giả để định hướng sản xuất nội dung và hình thức sản phẩm in của mình phù hợp hơn.

hoa-van.jpg
tit3.jpg

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng: Digital đã trở nên quá quan trọng tới mức xóa nhòa ranh giới giữa báo chí và công nghệ. Để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và kiếm tiền được nhiều hơn.

do-hoa-7.png
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Mô hình cơ quan báo chí địa phương hiện nay cơ bản không có nhiều thay đổi so với 10-15 năm về trước. Các cơ quan báo chí địa phương đã chú ý tổ chức bộ phận sản xuất, truyền tải nội dung nền tảng số. Tuy vậy, bộ phận này vẫn rất đơn lẻ, chưa hội tụ, liên kết và chưa là bộ phận mang tính “chính danh”, chưa là bộ phận “trung tâm” trong bộ máy các cơ quan báo chí địa phương. Vị trí việc làm chưa rõ, không “chính danh” thì đương nhiên các chế độ và đãi ngộ khác cũng hạn chế. Cái hạn chế này, kéo theo những hạn chế khác về chuyên môn.

hinh-1.jpg
Ngày 15/3/2022, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao Báo Đắk Nông gói hỗ trợ ứng dụng làm báo hiện đại. Báo Đắk Nông đã nỗ lực chuẩn bị và đúng ngày 23/3/2022 - kỷ niệm Ngày giải phóng Gia Nghĩa, Báo Đắk Nông đăng tải tác phẩm emagazine đầu tiên.

Công chúng ngày nay tiếp cận thông tin, báo chí qua rất nhiều nền tảng còn các cơ quan báo chí ở địa phương, về cơ bản vẫn chuyển tải thông tin bằng phương thức truyền thống. Các cơ quan báo chí địa phương có tìm tòi, tổ chức thêm các hình thức truyền tải thông tin đến người dùng thông qua môi trường internet (trong đó có facebook, zalo…) nhưng vẫn ở hình thức đơn giản và chủ yếu mang tính “tự phát”. Sự quan tâm và đầu tư của cơ quan chủ quản báo chí địa phương cho công nghệ cơ bản hạn chế, chưa chú ý nhiều theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng của xu hướng báo chí hiện đại.

do-hoa-8.png
Nhà báo Vũ Ngọc Tú, Tổng Biên tập Báo Đắk Nông
hinh-2.jpg
Đoàn công tác Báo Nhân Dân tham quan một số sản phẩm báo chí của tỉnh Đắk Nông

Sự phát triển của báo chí và công nghệ đặt ra cho cơ quan báo chí địa phương nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn, thách thức nào cũng kèm theo những cơ hội để thay đổi, khẳng định.

hinh-3(2).jpg
Các nhà báo trao đổi nghiệp vụ trong khóa tập huấn làm báo đa phương tiện do Hội Nhà báo Đắk Nông tổ chức

Sự phát triển của công nghệ giúp cách làm báo, lan tỏa thông tin ở cơ quan báo chí địa phương có thể không còn khoảng cách với cơ quan báo chí lớn khác. Cơ quan báo chí địa phương có thể áp dụng ngay được công nghệ làm báo hiện đại tương tự như ở một cơ quan báo chí cấp trung ương. Nhưng cốt lõi, quyết định và khẳng định sự phát triển và vị thế của cơ quan báo chí không chỉ ở công nghệ. Yếu tố cốt lõi, căn bản nhất, trung tâm nhất chính là con người. Những người làm báo ở địa phương tự đổi mới mình thì công nghệ mới được phát huy tốt.

dh9.jpg

Thiết bị hiện đại, có nhiều phương thức truyền tải, kết nối với người dùng nhưng cần phải tổ chức nội dung, kỹ năng nghề nghiệp và khai thác công nghệ tốt. Điều đó giống như một người có cái máy ảnh xịn sò. Để có ảnh đẹp thì người cầm máy phải có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tốt và khả năng nhìn nhận để kịp thời lưu lại những nét đẹp của đời sống vào ống kính. Có tiền là có thể nhanh chóng mua được máy ảnh tốt. Nhưng để có ảnh đẹp thì tâm huyết của người cầm máy mới là yếu tố quyết định.

dh10.jpg
hoa-van.jpg
tit4.jpg

Ngày nay công chúng có nhiều nguồn tin nhanh, đa chiều hơn. Họ được “chiều chuộng” hơn trong quá trình tiếp nhận thông tin. Thông tin của báo chí chỉ là một phần thông tin đến với công chúng. Do đó, nếu không thay đổi cách thức thu thập, sản xuất, phân phối thông tin thì cơ quan báo chí sẽ mất dần “khách hàng”. Muốn thay đổi, cơ quan báo chí phải hiểu hơn về công chúng và công nghệ.

dh11.jpg

Hiểu công chúng để nắm bắt rõ hơn nhu cầu của “khách hàng”, những xu hướng, sự cá biệt trong từng nhóm công chúng… Từ đó, có định hướng và thay đổi nội dung, hình thức thông tin nhằm “giữ chân” công chúng với báo chí.

truyen-thong.jpg
Báo chí truyền thống...
hien-dai.jpg
...và báo chí hiện đại

Hiểu công nghệ để tăng hiệu quả thu thập, sản xuất và phân phối thông tin. Nếu không hiểu để phát huy công nghệ thì báo chí sẽ tụt hậu so với xã hội và sản phẩm sẽ dần “lạc lõng” giữa muôn vàn thông tin của xã hội, vai trò của báo chí bị suy giảm. Nghĩa là báo chí phải gắn kết với công nghệ. Cơ quan báo chí sẽ hướng đến mô hình: Báo chí - công nghệ.

dh12.jpg

Nhưng làm gì để thay đổi? Các cơ quan báo chí hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, nhất là với cơ quan báo chí địa phương. Họ gặp khó về con người và cơ chế tài chính.

Về con người, các cơ quan báo địa phương phải tuân thủ quy định về biên chế, tổ chức bộ máy theo mô hình truyền thống. Rất khó khăn để cơ quan báo chí địa phương thay đổi về tổ chức bộ máy, con người, nhất là người trong biên chế từ mô hình truyền thống. Cơ quan báo chí địa phương hiện nay cũng không dễ để tuyển dụng người mới (có chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại) về làm theo hình thức hợp đồng hay thuê khoán. Để thay đổi, trước hết, người đứng đầu phải dám thay đổi và chịu trách nhiệm với công việc của mình và cơ quan báo chí. Quá trình đó gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại ngay trong nội bộ và bên ngoài tòa soạn.

dh13.jpg

Dù còn bao khó khăn, trở ngại từ nhiều phía nhưng hiện nay cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo chí địa phương đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Đường ngắn mấy, có đi mới đến. Việc nhỏ mấy, có làm mới xong. Những áp lực từ xã hội và yêu cầu của công chúng hiện nay với báo chí sẽ là cơ hội và động lực nếu những người làm báo quyết tâm “làm mới” để chính mình đổi mới và thích ứng với mô hình báo chí mới.

hoa-van.jpg
tit5.jpg

Cơ quan báo chí địa phương là đơn vị sự nghiệp nên theo xu hướng sẽ phải tăng cường tự chủ về tài chính. Với các địa phương có nền kinh tế mạnh, cơ quan báo chí địa phương phải luôn nỗ lực mới “xoay xở” nổi chuyện “cơm áo, gạo tiền”. Với các địa phương kinh tế khó khăn, cơ quan báo chí rất khó tự chủ về kinh phí nếu cơ quan chủ quản và cấp ủy, chính quyền địa phương không quan tâm để thay đổi cơ chế kinh phí từ giao nhiệm vụ, cấp phát kinh phí sang cơ chế đặt hàng báo chí, theo hướng tính đúng, tính đủ.

hinh-4.jpg
Hội Báo xuân Đắk Nông 2022 - một hoạt động để thu hút bạn đọc đến với báo chí

Hiện nay, về cơ bản cơ quan báo chí địa phương phụ thuộc vào “bầu sữa mẹ” từ ngân sách. Trong khi đó, phần nhiều địa phương chưa tự chủ về ngân sách nên đầu tư cho báo chí, nếu có quan tâm cũng phải cân đối với các nhu cầu đầu tư khác. Ở khía cạnh khác, nguồn thu sự nghiệp của các cơ quan báo chí địa phương lại ngày càng khó khăn. Nguồn thu từ quảng cáo thu hẹp hơn do đã “san sẻ” sang các hình thức quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội.

Nguồn thu từ sự nghiệp theo cơ chế đặt hàng cũng vấp phải những khó khăn, trở ngại. Nhiều cơ quan báo chí địa phương vẫn chưa có được định mức kinh tế kỹ thuật để có giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động của mình. Nhiều địa phương đã thực hiện cơ chế đặt hàng cho báo chí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí. Nhưng cũng còn nhiều địa phương, trong đó có Đắk Nông chưa thực hiện cơ chế này, hoặc có đặt hàng nhưng chưa thực sự sòng phẳng về giá dịch vụ với cơ quan báo chí.

hinh-5.jpg
Bạn đọc xem sản phẩm của Báo Đắk Nông tại Hội Báo xuân Đắk Nông 2022

Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ quan báo chí địa phương thuộc đối tượng thực hiện của Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Theo đó, về tài chính, cơ quan báo chí sẽ chuyển từ cơ chế nhà nước giao nhiệm vụ và cấp phát kinh phí sang cơ chế đặt hàng.

Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã mở hướng cho cơ quan báo chí địa phương “gỡ” khó về tài chính. Tuy nhiên, để cơ quan báo chí địa phương áp dụng được cơ chế theo mới không hề đơn giản.

dh14.jpg

Cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho báo chí địa phương bảo đảm tốt hơn nguồn kinh phí cho hoạt động. Nôm na là cơ quan báo chí địa phương sẽ được tính kinh phí cho các sản phẩm của mình theo hướng tính đúng, tính đủ… và cao hơn so với cơ chế cũ. Cơ chế mới cũng mở đường để báo chí địa phương năng động hơn (đồng thời tăng tính cạnh tranh hơn) trong hoạt động và tổ chức các sản phẩm của mình.

Về tổng thể, sự thay đổi này kỳ vọng sẽ có lợi cho cả nhà nước, cơ quan báo chí và công chúng. Nhà nước “sòng phẳng” hơn với cơ quan báo chí khi giao tiền kèm theo yêu cầu cụ thể, rõ ràng hơn về nhiệm vụ và sản phẩm đối với cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí địa phương không còn hưởng cấp phát kinh phí từ ngân sách như cũ theo kiểu “xin cho”. Thay vào đó, cơ quan báo chí “đàng hoàng” (đồng thời áp lực hơn) hơn khi lập và bảo vệ phương án hoạt động, trong đó có phương án kinh phí, đối với cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý kinh phí.

Quá trình trên sẽ đòi hỏi cơ quan báo chí phải nâng cao công tác quản trị và hiệu quả hoạt động để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí (hàng hóa) của mình. Và do vậy, với công chúng – người tiếp nhận, “tiêu thụ” các sản phẩm báo chí sẽ hưởng lợi hơn khi được tiếp cận với các sản phẩm có chất lượng hơn.

hinh-6.jpg
Báo Đắk Nông trưng bày tại Hội Báo toàn quốc 2022

Kỳ vọng là vậy nhưng để thực hiện được cơ quan báo chí địa phương còn phải vượt qua những khó khăn, trở ngại khá lớn. Khi thực hiện cơ chế tài chính mới, các cơ quan báo địa phương sẽ có rất nhiều thay đổi.

Về tài chính, gồm cả xác định nguồn thu và các nội dung, định mức chi sẽ chi tiết đến từng vị trí việc làm và các hao phí liên quan cụ thể vào từng sản phẩm báo chí.

Có 3 nhóm chi phí chính là nhân công (đến từng vị trí việc làm, thuê khoán…), vật tư, nguyên liệu và ca máy. Do vậy muốn tính đúng đủ chi phí và thực hiện tốt cơ chế tự chủ cần triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể.

dh15.jpg

dh16.jpg

Ban Biên tập Báo Đắk Nông xác định một số nhiệm vụ sau:

Cập nhật để phổ biến, quán triệt và nhận thức đầy đủ về yêu cầu tự chủ đối với cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay. Các đối tượng thực hiện giải pháp này bao gồm bộ phận tham mưu cho cơ quan chủ quản của Báo Đắk Nông, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Biên tập và toàn thể cơ quan Báo Đắk Nông.

Ban hành chủ trương và tổ chức thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế cấp phát kinh phí sang cơ chế đặt hàng báo chí. Báo Đắk Nông chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông ra chủ trương và chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ để thực hiện các bước chuyển đổi cơ chế về tài chính đối với các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đắk Nông.

Trên cơ sở chủ trương, kế hoạch chung của tỉnh, Báo Đắk Nông xây dựng phương án tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để trình Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Báo Đắk Nông xây dựng Đề án về vị trí việc làm và từng bước vận hành tổ chức bộ máy theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt.

do-hoa-17.png

Trước mắt, trong giai đoạn chuyển tiếp, Báo Đắk Nông vẫn xây dựng phương án tự chủ kinh phí theo tinh thần Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chi trả chế độ nhuận bút, thù lao theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ về quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản. Phương án và dự toán lập trên cơ sở nguồn kinh phí 3 năm 2019-2021 và tình hình thực tế tại đơn vị.

Khi tỉnh ban hành các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng hoạt động báo in, báo điện tử trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT, Báo Đắk Nông sẽ điều chỉnh lại Phương án theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

hoa-van.jpg
tit6.jpg

Định hướng, mục tiêu của báo chí nước ta là: chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Sự phát triển của xã hội và công nghệ đặt ra những thách thức lớn đồng thời mở ra cơ hội cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong giai đoạn mới.

Với các cơ quan báo chí địa phương, những tác động đó ngày càng cụ thể. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan báo chí địa phương phải tư duy để xác định những nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn mới. Khi đã xác định rõ nhiệm vụ, cần tăng cường đoàn kết, quyết tâm thực hiện.

6 định hướng, nhiệm vụ dưới đây là những khuyến nghị đối với các cơ quan báo chí địa phương để đổi mới, xây dựng cơ quan và hoạt động báo chí chuyên nghiệp:

Đào tạo đội ngũ và cập nhật kiến thức kỹ thuật, quy định, chế tài mới.

Chuyên môn hóa sâu một số vị trí, xây dựng và nâng cao hiệu quả chu trình tác nghiệp.

Cập nhật, ứng dụng công nghệ trong quản lý, tổ chức tác nghiệp.

Phát triển làm báo đa phương tiện, tăng kết nối, phối hợp tổ chức các sản phẩm báo chí, truyền thông.

Đổi mới dần mô hình theo hướng báo chí - công nghệ, tổ chức bộ máy theo hướng hội tụ.

Đổi mới cơ chế tài chính, tăng tính tự chủ, đặt hàng.

do-hoa-18.png

Công nghệ thông tin đang rất phát triển và tác động đến mọi mặt của đời sống. Đây vừa là điều kiện, cơ hội cho báo chí phát triển nhưng cũng là đòi hỏi, là áp lực và thách thức rất lớn đối với các cơ quan báo chí và người làm báo. Với Đắk Nông, đòi hỏi báo chí và người làm báo phải nỗ lực mạnh mẽ hơn.

Các cơ quan báo chí và người làm báo phải tiếp cận, bắt nhịp và phát huy những xu hướng, công nghệ làm báo hiện đại. Các cơ quan báo chí và những người làm báo cần phải đổi mới tư duy, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin mới, hiện đại./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình và hoạt động báo chí địa phương trước yêu cầu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO