Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021): Đảng ta vững bền

Cẩm Trang| 03/02/2021 09:55

91 năm qua là quãng thời gian ngắn trong lịch sử hàng năm của dân tộc, song có thời kỳ nào trong lịch sử ta lại giàu về các sự kiện vĩ đại; có thời kỳ nào thực hiện được những bước tiến lịch sử diệu kỳ như hơn chín thập kỷ qua! Những thay đổi cách mạng đưa lại trong đời sống dân tộc ta 91 năm qua thật to lớn.

ADQuảng cáo

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin

Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930.  Lịch sử của dân tộc ta hơn chín thập kỷ qua đủ khẳng định dứt khoát rằng, Đảng ta và Nhân dân ta đã và đang đi trên con đường đúng, “Đảng ta sở dĩ lãnh đạo được Nhân dân làm nên những sự nghiệp vĩ đại ấy, trước hết là nhờ nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Về phần chúng tôi, chính là do vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay... chúng tôi giành được những thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Cũng vì “nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin” ấy mà 91 năm qua, Đảng ta luôn bác bỏ những quan điểm coi chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, bác bỏ mọi mưu toan lấy một học thuyết nào đó thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam góp phần chứng minh sức sống bất diệt trong những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, những nguyên lý được rút ra không phải từ một thực tiễn riêng lẻ, bộ phận mà từ toàn bộ thực tiễn phong trào công nhân quốc tế. Với tư cách là một khối thống nhất không thể chia cắt, chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, Đảng  tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, đấu tranh bảo vệ và không ngừng phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Đại hội XIII của Đảng bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh tư liệu

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo

Ở mỗi bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua, đều in dấu tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng trong việc xác định mục tiêu chiến lược, phương pháp đấu tranh nhằm đưa cách mạng Việt Nam vượt lên mọi thách thức để giành thắng lợi. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 15 năm, là tổng hợp của cả nhân tố khách quan và chủ quan, nhưng trước hết và chủ yếu do Đảng ta có đường lối cách mạng đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn. Đảng đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm chắc những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, phân tích sâu sắc tính chất xã hội thuộc địa nửa phong kiến; kịp thời tổng kết kinh nghiệm để rút ra những quy luật của cách mạng dân tộc dân chủ, trước hết là quy luật đấu tranh giành chính quyền.

Khi Đảng phát động toàn quốc kháng chiến (1946) trong điều kiện tương quan lực lượng của thực dân Pháp mạnh hơn chúng ta rất nhiều về tiềm lực kinh tế và quân sự, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân và sức mạnh chính nghĩa, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cùng với việc đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn: Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh, đường lối đó đã giúp cho Đảng huy động được sức mạnh của toàn dân tộc tham gia vào cuộc kháng chiến với niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi và chúng ta đã giành thắng lợi.

ADQuảng cáo

Khi đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, Đảng nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ khi quyết tâm dám đánh Mỹ và thắng Mỹ, từng bước hoạch định đường lối và lãnh đạo Nhân dân kháng chiến. Với đường lối kháng chiến là tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam. Một chính đảng chính trị, cùng một lúc phải lãnh đạo, chỉ đạo hai nhiệm vụ chiến lược nhưng cùng một mục tiêu đó là giải phóng đất nước và đưa đất nước tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội. Để rồi, nhờ sáng tạo trong hình thức và phương pháp đấu tranh với việc sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh và các lực lượng cách mạng mà chúng ta đã giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam, Nhân dân tiến bộ trên thế giới đứng hẳn về phía Nhân dân ta, dành cho Nhân dân ta những tình cảm sâu sắc, cao quý, ủng hộ vật chất, biểu dương, ca ngợi cuộc chiến đấu của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất diệt. Do đó, đã hình thành một mặt trận rộng rãi của Nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ Nhân dân ta, đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Và đó cũng là một trong những nét nổi bật về tính độc lập và sáng tạo của chiến lược cách mạng Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân với tên gọi  “Vững bước dưới cờ Đảng” do Hội Nhà báo Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức vào tối 28/1/2021 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng càng được thể hiện nổi bật trong sự nghiệp đổi mới từ năm 1986. Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh thế giới trải qua một thời kỳ đầy biến động, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị tan rã, thị trường truyền thống bị đảo lộn. Đất nước đứng trước những nguy cơ lớn. Trong bối cảnh hết sức phức tạp đó, Đảng ta vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì đổi mới, đổi mới có nguyên tắc, không hoang mang dao động, không bắt chước người khác, không vì sức ép từ bất cứ phía nào mà thay đổi phương hướng mục tiêu đã định. Từ đó, Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ. Để rồi, sau 35 năm nhìn lại, chúng ta thấy “Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”.

Giai đoạn hiện nay, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế là đặc trưng cách mạng của nước ta. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo nhằm “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

91 năm qua “Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đường lối đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam”. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình lãnh đạo của Đảng, là cơ sở để Đảng ta giải quyết đúng đắn những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng. Tuy nhiên, cần khẳng định, mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội có nội dung mang tính lịch sử, cụ thể. Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của cách mạng do Đảng lãnh đạo, mục tiêu đó mang nội dung không hoàn toàn như nhau. Nếu như, giai đoạn 1930-1945, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, là đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân; xóa bỏ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, tạo tiền đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho việc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn chủ nghĩa xã hội là phương hướng tiến lên. Đến giai đoạn 1954-1975, độc lập dân tộc để quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ chính trị số một, bao trùm trong cả nước. Mục tiêu độc lập dân tộc lúc đó là giữ vững thành quả độc lập dân tộc mà Nhân dân miền Bắc đã đạt được, loại bỏ sự thống trị của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai nhằm làm cho miền Nam thoát khỏi chủ nghĩa thực dân mới. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng cần vươn tới đối với cả nước. Từ năm 1975 đến nay, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu nhưng với những nội dung mới, tuy độc lập dân tộc gắn liền với ý nghĩa là thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới đã đạt được trong thực tế, nhưng việc giữ vững, củng cố và phát huy thành quả đó trong xây dựng xã hội mới vẫn là một vấn đề không hề đơn giản.

Tất cả những thành tựu của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI chính là kết quả của việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Điều này lý giải vì sao mà trong các kỳ đại hội của Đảng, tổng kết những bài học kinh nghiệm lớn của dân tộc, bài học: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đều được đưa lên vị trí hàng đầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021): Đảng ta vững bền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO