Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021): 70 năm - một chặng đường vẻ vang

Hoài Anh| 06/05/2021 09:03

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đánh dấu sự thống nhất và độc lập hoàn toàn về tiền tệ của một nhà nước tự do, dân chủ. Sau 70 năm xây dựng và trưởng thành với bao tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh, ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức vẻ vang và rất đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà cũng như trong công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước.

Những dấu mốc nổi bật

Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh, xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thay đổi về bản chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta.

Ngân hàng Nhà nước đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2021). Ảnh tư liệu

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, các hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam góp phần rất quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, hoạt động Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tập trung vào việc góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào ngày 21/01/1960.

Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1975-1985), NHNN Việt Nam đã thực hiện thanh lý hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, thành lập bộ máy hoạt động thống nhất trên toàn quốc; thu hồi tiền cũ ở cả hai miền Nam - Bắc và phát hành tiền mới nhằm thống nhất tiền tệ trong cả nước.

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để kinh tế đất nước từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đến nay, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới và hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

Trong vòng 4 năm từ 1986-1990, NHNN đã thí điểm từng bước và tháng 3/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 53-HĐBT thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, chuyển hoạt động ngân hàng sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa và hình thành hệ thống ngân hàng 2 cấp.

Tháng 5/1990, hai pháp lệnh Ngân hàng là Pháp lệnh NHNN Việt Nam, Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ra đời đã xác định rõ hành lang pháp lý cho hoạt động của NHNN và các loại hình ngân hàng chuyên doanh và sau này là các NHTM, TCTD.

Từ đó đến nay, ngành Ngân hàng đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước, nhờ đó đã góp phần quan trọng đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, huy động và cung ứng chủ yếu nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển nền kinh tế; phát triển dịch vụ thanh toán, ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngành Ngân hàng mở rộng hợp tác song và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với mô hình 2 cấp ngày càng hoàn thiện, hệ thống ngân hàng phát triển mạnh mẽ về quy mô, mạng lưới, loại hình sở hữu, tiện ích, dịch vụ ngân hàng và thực hiện tốt hơn vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tính đến nay, dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 9,2 triệu tỷ đồng (vượt rất xa so với mức 10,1 ngàn tỷ năm 1991), bằng 140% GDP, góp phần quan trọng cung ứng đủ vốn phục vụ đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế. Sự lớn mạnh của hệ thống các TCTD đã được các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá cao. Theo Brand Finance Banking 500, đến năm 2020, Việt Nam đã có 9 ngân hàng nằm trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu.

Tạo ra bước đột phá mới

Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong giai đoạn phát triển mới, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế cần phải khơi dậy khát vọng, ý chí phấn đấu và phát huy sức mạnh thời đại để tạo ra các bước phát triển đột phá mới.

Trong đó, cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, đặc biệt, cần xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 cho cả NHNN và hệ thống các TCTD; hoàn thiện thể chế và tổ chức, bộ máy phù hợp với xu hướng phát triển mới của thế giới và điều kiện Việt Nam; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại.

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Ngành Ngân hàng tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021): 70 năm - một chặng đường vẻ vang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO