Khi ý Ðảng hợp lòng dân

Nguyễn Lương| 14/09/2022 08:50

Những năm qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn trong công cuộc giảm nghèo tại Đắk Nông. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Điều này đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến với người dân, góp phần tạo thêm niềm tin của người dân đối với Đảng.

Nguồn vốn "cứu cánh" người dân

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giá cả các loại nông sản bấp bênh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã kịp thời đến với người dân. Nhiều bà con được tiếp cận nguồn vốn chính sách, từng bước giải quyết khó khăn để phát triển kinh tế.

Vườn cà chua của ông Nguyễn Văn Tình, thôn 5, xã Thuận Hà (Đắk Song), đang cho thu hoạch đại trà. Từng rổ cà chua đỏ rực mới được ông Tình hái xuống để chuẩn bị chất lên xe cho các thương lái.

Ít ai biết được rằng, năm 2020, toàn bộ 8 sào cà chua của ông Tình là diện tích hồ tiêu bị chết trụi do dịch bệnh. Trong cái khó ló cái khôn, ông đã chuyển đổi sang trồng cà chua kịp thời để có thu nhập.

Nhiều hộ nghèo tại huyện Đắk Glong được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Ông Tình phấn khởi cho biết: “Cà chua đang được giá, nên gia đình tranh thủ thu hoạch đúng thời điểm. Với 8 sào cà chua được thâm canh 2 vụ/năm, gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”.

Theo ông Tình, để có kết quả như vậy, gia đình ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH)  huyện Đắk Song hỗ trợ vay vốn sản xuất.

Sau khi được bình xét, giải ngân nguồn vốn, gia đình ông đã đầu tư giống, phân bón để sản xuất. Nhờ chăm sóc bài bản, giá cả thuận lợi, nên vườn cà chua đã mang về cho gia đình nguồn lợi nhuận lớn.

“Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã cứu cánh cho gia đình lúc khó khăn nhất. Có công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập, nông dân chúng tôi càng tin tưởng nhiều hơn vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”, ông Tình phấn khởi chia sẻ.

Tương tự, tại huyện Đắk Glong, những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã phủ rộng khắp toàn dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, toàn huyện có 13.200 hộ được vay vốn từ NHCSXH, với dư nợ trên 520 tỷ đồng. Trong đó, có 4.920 hộ đồng bào thiểu số được vay vốn ưu đãi, với dư nợ 273 tỷ đồng

Nhiều người dân huyện Đắk R'lấp vay vốn ưu đãi của Nhà nước phát triển đàn vật nuôi hiệu quả

Năm 2020, gia đình ông K’Thét, xã Đắk Som (Đắk Glong), được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để đầu tư, chăm sóc 1,5 ha cà phê trồng xen hồ tiêu.

Theo ông K’Thét, thông thường, cứ bắt đầu vào mùa mưa, nông dân lại cần vốn để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây trồng. Gia đình ông may mắn được địa phương bình xét, được NHCSXH hoàn tất thủ tục hồ sơ trong thời gian ngắn để giải ngân đúng dịp.

“Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi thật đúng đắn. Bà con được vay vốn mà không cần phải vay lãi cao bên ngoài để đầu tư sản xuất. Đồng bào tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chăm chỉ phấn đấu làm ăn”, ông K’Thét chia sẻ.

Theo Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Vũ Tiến Lư, thời gian qua, các chính sách tín dụng của Nhà nước đã đến với người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Glong còn 39,15%, giảm 23,5% so với thời điểm mới thành lập huyện.

Để có được kết quả này, ngoài nguồn vốn từ NHCSXH, địa phương luôn thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Cán bộ NHCSXH thăm mô hình vay vốn của người dân tại Đắk Glong

Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là UBND huyện, triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả chỉ thị này.

Huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền địa phương trích ngân sách hàng năm để ủy thác qua NHCSXH. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phục vụ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

“Nguồn vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng đã giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Chính sách của Đảng, Nhà nước được bà con, nhất là đồng bào thiểu số, rất tin tưởng, ủng hộ cao”, ông Lư khẳng định.

Đồng hành với bà con

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hiện nay, đơn vị đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách khác nhau. Đến hết tháng 6/2022, dư nợ tín dụng ưu đãi tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh trên 3.527 tỷ đồng, với gần 70.000 hộ còn dư nợ.

Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội để đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhân viên NHCSXH huyện Tuy Đức giao dịch với người dân tại xã Quảng Trực

Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Đắk Nông chỉ còn 11,19%, giảm 44,81% so với năm 2004. Toàn tỉnh có 35/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, Đắk Nông đã thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo, kém phát triển.

Đắk Nông là một tỉnh đang còn nhiều khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định: “Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững. Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên”.

Để hoàn thành mục tiêu này, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước sẽ cùng đồng hành với địa phương và người dân trong thời gian tới.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung, tín dụng ưu đãi là một chính sách hết sức đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Đồ họa: N.Hiền - N.Lương

Nhờ nguồn vốn tín dụng này, người dân cơ bản thay đổi nhận thức, xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự vươn lên làm ăn, vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt tín dụng chính sách. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách.

“Chúng tôi xác định mỗi cấp ủy Đảng, mỗi chính quyền địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia".

"Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo ưu tiên dành nguồn lực ngân sách ủy thác cho NHCSXH để tăng thêm nguồn vốn, giúp nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lưu Văn Trung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi ý Ðảng hợp lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO