Hoạt động nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các năm Tuất

Mai Mộng Tưởng| 22/02/2018 08:42

Năm Nhâm Tuất – 1922, đây là năm Tuất đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc trên con đường bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước.

Thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bộc lộ nhãn quan chính trị  hết sức sâu sắc, thể hiện lòng yêu nước thương nòi không bờ bến của một thanh niên tri thức. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Người đã thẳng thắn, dũng cảm vạch trần, lên án tội ác dã man của bọn thực dân đế quốc. Đây là thời điểm mở màn cho những năm tiếp theo Bác liên tục tấn công kẻ thù của dân tộc bằng hàng loạt bài viết thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, kể cả dư luận nước Pháp, tiến tới sự kiện vô cùng trọng đại của dân tộc, đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930), tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay, chính thức đảm nhiệm sứ mệnh vinh quang và to lớn là chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra một thời kỳ mới, lập nên một nhà nước hợp pháp, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã thông qua danh sách Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; thông qua tuyên ngôn của Quốc hội, bầu Ban thường trực Quốc hội và Ban dự thảo Hiến pháp. (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến ra mắt và tuyên thệ tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Hà Nội ngày 2/3/1946). Ảnh tư liệu

Năm Bính Tuất – 1946, Hồ Chí Minh nhận thấy sự cấp thiết ngay sau khi tiến hành Tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Tại Trường cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh, Bác đã có bài nói chuyện quan trọng, trong đó có đoạn: “…Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”.

Đây là năm hoạt động đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bộn bề trăm công nghìn việc, Người đã dồn hết tâm sức vào những việc hệ trọng của chính quyền còn non trẻ. Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ I Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã có bài diễn văn quan trọng, trong đó có đoạn: “…Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội lần này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, đấu tranh của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể trẻ già, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc…” .

Với quan điểm “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”, năm Bính Tuất 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề giữ gìn độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, nên ngày 26/1/1946, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã ký ban hành Quốc lệnh với 10 việc thưởng, 10 việc xử phạt rất rõ ràng, dứt khoát, nghiêm minh. Người dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về binh pháp, rồi từ có loạt bài nghiên cứu khoa học mang tầm chiến lược. Điều này thể hiện tư duy quân sự quốc phòng uyên bác của Người.

Trước sự tráo trở của thực dân Pháp về lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật để thực hiện âm mưu xâm chiếm nước ta thêm một lần nữa, Người đã có “Lời kêu gọi liên hiệp quốc, trong đó có đoạn: “Đã hơn một tháng nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị đặt trong một cuộc xung đột vũ trang gây ra bởi các lực lượng Pháp là những lực lượng được đón tiếp thân ái trên xứ sở này khi họ vào giải giáp quân đội Nhật...

Hàng ngày, lục quân, hải quân và không quân Pháp thiêu hủy các thành phố, làng mạc Việt Nam, bắn giết dân thường Việt Nam với những máy bay và xe tăng sẵn sàng nhả đạn. Nhiều đội quân tiếp viện Pháp tiếp tục đổ bộ vào đất Việt Nam… Chính vì tinh thần ấy mà Chính phủ chúng tôi trình bày với Hội đồng bảo an về cuộc xung đột hiện nay…”. Trước sự ngoan cố của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch đã có “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thể hiện quyết tâm sắt đá: “…Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.  Cũng trong năm Bính Tuất -1946 này, để giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam, Người đã có chuyến thăm chính thức nước Pháp từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 10 năm 1946, đã gặp gỡ nhiều chính trị gia quốc tế và báo giới để giới thiệu về đất nước của mình cũng như các chủ trương, chính sách thể hiện sự yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Năm Mậu Tuất – 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, đặc biệt là Người quan tâm gặp gỡ chuyện trò, lắng nghe nguyện vọng đề đạt của nhiều tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nét phong cách gần gũi, giản dị và tôn trọng quần chúng của một lãnh tụ anh minh vô cùng kính mến.

Điểm qua một số năm Tuất đầy ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của Người, nhằm thấy rõ hơn tư tưởng vĩ đại, đạo đức trong sáng, phong cách tinh tế của Bác Hồ để chúng ta tiếp tục phấn đấu học tập và làm theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các năm Tuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO