Hạn chế trong bảo tồn, phát huy vai trò của di tích lịch sử

Nguyễn Anh| 05/03/2021 09:21

Tỉnh Đắk Nông hiện có 12 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được xếp hạng. Nhiều di tích được đầu tư tôn tạo đi vào hoạt động, phát huy tốt giá trị trong du lịch và giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, cần được quan tâm.

ADQuảng cáo

Chưa chú trọng đầy đủ vai trò, giá trị di sản

Hiện nay, nhiều di tích lịch sử sau khi được xếp hạng thì nằm trong tình trạng "đắp chiếu". Một số di tích được cấp thẩm quyền xếp hạng hơn hoặc gần 10 năm nhưng vẫn chưa được quy hoạch, xây dựng hàng rào bảo vệ, như di tích lịch sử lưu niệm Hăng-ri-Mét ở huyện Tuy Đức, di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Hang No ở huyện Đắk Glong...

Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng ấp chiến lược Hang No được Nhà nước xếp hạng năm 2015, đến nay vẫn chưa được tôn tạo, bảo vệ

Một số hạng mục công trình với nhiều yếu tố gốc cấu thành di tích do chưa được xây dựng hàng rào bảo vệ nên thời gian dài bị mưa, lũ làm biến dạng, lu mờ vết tích, khó khôi phục, phục dựng như ban đầu. Các điểm di tích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bị gia súc của người dân chăn thả tự do, giẫm đạp ảnh hưởng đến công sự hầm, hào, lô cốt…

Thời gian qua, Nhà nước đã đưa một số chương trình giáo dục quan trọng vào học đường, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Trong đó, đáng chú ý là chương trình “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chương trình “học tập suốt đời ở thư viện, bảo tàng”…

Một số địa phương đã chủ động tổ chức tốt chương trình này, cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích lịch sử; triển khai khá tốt chương trình ngoại khóa, về nguồn tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, nhiều di tích lịch sử sau khi được đầu tư xây dựng chưa phát huy tối đa giá trị. Các di tích này là địa chỉ đỏ phản ánh mốc son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của Đảng và dân tộc ta nhưng chưa được quảng bá sâu rộng đến công chúng.

Việc phối hợp giữa địa phương với ngành giáo dục, cơ quan đoàn thể để cho học sinh, đoàn viên đến tiếp cận, tham quan, nghiên cứu, học tập, trau dồi, tiếp thu tinh thần cách mạng tại di tích chưa được chú trọng đầy đủ. Sự kết nối giữa di sản văn hóa với phát triển du lịch cũng chưa được quan tâm khai thác, liên kết sâu sắc, hiệu quả.

ADQuảng cáo

Người ít, vốn thiếu

Hiện nay, nhiều địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về công tác di tích. Do đó việc đi sâu, đi sát vào lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kể từ khi chúng ta thực hiện tinh gọn bộ máy Nhà nước, tinh giản biên chế thì phòng văn hóa thông tin các huyện, thành phố có sự thay đổi về nhân sự, thiếu hụt cán bộ chuyên trách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích tại cơ sở.

Một số di tích lịch sử đã đi vào hoạt động nhưng địa phương chưa bố trí được cán bộ thuyết minh. Khi khách du lịch đến tham quan thì lúng túng trong giới thiệu, quảng bá; không có cán bộ để điều hành dẫn giải, dẫn đến lỗ hổng trong khai thác giá trị di sản văn hóa của địa phương, làm cho ý nghĩa, vai trò, công năng... của công trình lịch sử không được phát huy đầy đủ.

Cán bộ chuyên trách về di tích thiếu nên việc nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tư liệu lịch sử hằng năm bị hạn chế, hoặc không thực thi. Công tác nghiên cứu di tích cũng như tổ chức trưng bày đưa ra chuyên đề mới trong hoạt động bảo tồn di sản ít thiết thực. Do vậy, nội dung và không gian trưng bày tại di tích còn đơn điệu, thậm chí tẻ nhạt, khó tạo hiệu ứng, ấn tượng mới mẻ để hấp dẫn, thu hút khách du lịch…

Tại Đắk Nông, một số di tích lịch sử cấp quốc gia được Trung ương bố trí kinh phí đầu tư nên bước đầu đã đi vào hoạt động, phát huy tốt giá trị như di tích lịch sử Ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử B4 – Liên tỉnh 4… Song, ngược lại thì nhiều công trình di tích khác chưa được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo.

Trong thực tế, công tác khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử không nhất thiết chờ nguồn kinh phí của trung ương mà địa phương cũng cần chủ động xã hội hóa hoặc kêu gọi nhà đầu tư, các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí để đầu tư vào khâu bảo vệ bước đầu cho di sản.

Do vậy, cần chủ động hoạch định giai đoạn để bố trí nguồn lực và mời gọi đầu tư phù hợp cho di tích. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, chúng ta có thể phân kỳ để xây dựng các hạng mục công trình theo từng năm nhằm hoàn thiện dần các hạng mục của di sản.

Nhiều tỉnh, thành trong nước, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực di sản cũng hạn hẹp. Song họ đã chủ động thực hiện theo từng giai đoạn để phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế của địa phương. Do đó, di tích lịch sử ở nhiều tỉnh, thành luôn được phát huy và bảo vệ tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế trong bảo tồn, phát huy vai trò của di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO