Giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường kinh tế-xã hội tại địa phương

Phan Tân| 24/10/2020 16:38

Tiếp tục chương trình, ngày 24/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

ADQuảng cáo

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số đơn vị liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 186 điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ  Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật về thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường, đại biểu Võ Đình Tín, UVTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chọn phương án 2 là giao cho UBND tỉnh thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). UBND tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định đánh giá tác động môi trường.

Theo đại biểu, nếu luật quy định bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành vừa là cơ quan quyết định đầu tư, vừa là cơ quan thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ thiếu khách quan. Việc giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ khâu thẩm định kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường đến việc cấp giấy phép môi trường, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của dự án.

ADQuảng cáo

Về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đại biểu Võ Đình Tín cũng chọn phương án 2, vì phương án này tích hợp các loại giấy tờ thủ tục hành chính trong giấy phép về môi trường, trong đó gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Bởi phương án này có những ưu điểm như giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án; không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.

Các dự án sẽ được đánh giá sơ bộ tác động về môi trường ở giai đoạn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trước khi đăng ký khả thi, thực hiện các bước tiếp theo của quá trình đánh giá tác động môi trường và cũng tránh được lãng phí về tài chính, thời gian của nhà đầu tư trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang tranh luận tại hội trường

Tranh luận liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, không thể loại trừ trách nhiệm của Hội đồng, nhưng mà trách nhiệm của người quyết định thẩm định mới là quan trọng. Do đó, trong dự thảo luật nếu bổ sung trách nhiệm của Hội đồng thẩm định vào thì cũng cần phải làm rõ, phân định trách nhiệm giữa Hội đồng thẩm định và của cơ quan thẩm định.

Bởi vì, trên thực tế chất lượng tham mưu, tư vấn của Hội đồng thẩm định sẽ tác động đến người ra quyết định thẩm định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi dự thảo luật chưa làm rõ vấn đề này. Do đó, luật cần quy định việc xử lý trách nhiệm rõ ràng giữa Hội đồng thẩm định và người ra quyết định thẩm định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường kinh tế-xã hội tại địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO