Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức hội viên, nông dân

Hoàng Bảo| 24/07/2019 10:06

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI), các cấp hội nông dân trong tỉnh thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, quy định của Hội.

Hội viên, nông dân ngày càng đổi mới cách nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác, chú trọng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Gia đình nông dân Nguyễn Văn Khánh ở thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) trồng hoa lan hồ điệp trong nhà kính thu nhập cao. Ảnh Thanh Nga

Đổi mới về hình thức và nội dung

Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được các cấp hội nông dân thường xuyên đổi mới về hình thức và nội dung, hướng về cơ sở như thông qua các hội thi, hội thảo, sinh hoạt hội, câu lạc bộ nông dân, phát hành bản tin, lồng ghép trong các lớp tập huấn...Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nghị quyết Đại hội hội nông dân các cấp...

Hội Nông dân tỉnh đã biên tập, xuất bản 200 cuốn kỷ yếu “Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông-10 năm xây dựng và phát triển” và 500 cuốn ấn phẩm Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 1930 - 2013. Những cuốn kỷ yếu đã trở thành cẩm nang để các cấp hội tuyên truyền sâu rộng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và hoạt động của Hội từ khi thành lập cho đến nay. Qua đó, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh không chỉ tự hào mà còn hiểu hơn về tổ chức, chung sức xây dựng Hội ngày càng trong sạch vững mạnh.

Phong trào nông dân thi đua làm theo Bác ngày càng sôi nổi và đạt những kết quả tích cực. Điển hình, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau thoát nghèo, tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 20.301 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ được 45.731 hộ nghèo, cận nghèo về vốn, vật tư sản xuất, ngày công lao động và kỹ thuật sản xuất.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp được hơn 36,8 tỷ đồng và hơn 106.225 ngày công lao động để nạo vét, sửa chữa trên 610 km kênh mương; sửa chữa và làm mới 1.032 km đường giao thông nông thôn. Các hội viên, nông dân cũng tích cực phát huy vai trò trong thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như: Cánh đồng lớn, hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác và tiêu thụ sản phẩm…

Giúp đổi mới cách nghĩ, cách làm

Công tác tuyên truyền, vận động còn được gắn kết chặt chẽ với các hoạt động tư vấn dạy nghề và hỗ trợ nông dân, trong đó tập trung về dịch vụ vốn và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp. Các cấp hội chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp triển khai cho hội viên, nông dân đăng ký mua phân bón theo phương thức trả chậm với số lượng trên 7.929 tấn. Tất cả huyện, thị xã và 67/71 xã, phường, thị trấn đã thành lập ban vận động và ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân, với tổng nguồn vốn toàn tỉnh đạt 38,8 tỷ đồng, đã giải ngân 144 dự án, với 1.204 lượt hộ vay.

Các mô hình, dự án được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đã thực sự thúc đẩy việc chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, các cấp hội phối  hợp giải ngân gần 24 tỷ đồng cho 231 hộ vay đầu tư tái canh cà phê, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.  

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp hội phối hợp tổ chức 271 lớp dạy nghề cho 8.860 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Riêng Hội Nông dân tỉnh tổ chức được 22 lớp cho 579 học viên tham gia với các nghề đào tạo chủ yếu như kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, tin học căn bản.

Qua đó, hội viên, nông dân đã tạo được việc làm, chuyển biến nhận thức, đổi mới cách nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán canh tác, chú trọng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nông dân đã biết áp dụng công nghệ thông tin để tìm tòi học hỏi các mô hình có hiệu quả và cập nhật ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến về cây trồng, vật nuôi, các thông tin giá cả thị trường cũng như tình hình kinh tế, xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức được 9.851 buổi tuyên truyền, cho 536.070 lượt hội viên tham gia học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết của Hội. Trong tuyên truyền về Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các cấp hội đã lựa chọn những nội dung trọng tâm gắn với hoạt động, việc làm cụ thể để tuyên truyền, phổ biến đến từng hội viên, nông dân theo hướng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Một số tổ chức hội lựa chọn những câu chuyện hay về Bác, những cuộc gặp gỡ nói chuyện của Bác với nông dân để kể cho hội viên nghe. Việc tìm hiểu những gương điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi, có những việc làm tốt, vượt khó thoát nghèo... cho hội viên trong các buổi sinh hoạt để cùng học tập, thảo luận, trao đổi cũng được chú trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức hội viên, nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO