Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Phan Đinh| 26/07/2019 10:20

Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân của dân tộc.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuân tại xã Đắk Lao (Đắk Mil). Ảnh: Phan Tân

Giải quyết tốt chế độ ưu đãi

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động, Thương binh - Xã hội (LĐTB-XH) tham mưu quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp hàng tháng đối với 3 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tham mưu giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với 74 trường hợp; giải quyết cho các thân nhân hưởng trợ cấp mai táng phí, trợ cấp 1 lần khi người có công từ trần...

Sở LĐTB-XH phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định mua bảo hiểm y tế cho 21 cựu chiến binh và 85 trường hợp người có công. Công tác kiểm tra hồ sơ, giới thiệu giám định tình trạng bệnh tật, dị dạng, dị tật cũng được chú trọng. Qua đó, có  8 người được đề nghị hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học. Trong 6 tháng qua, Sở tiếp nhận 44 hồ sơ mới từ tỉnh khác chuyển đến và chuyển 11 bộ hồ sơ sang tỉnh khác cho người được hưởng chế độ kịp thời.

Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng cũng được quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm 2019, Sở LĐTB-XH đã tổ chức đưa 130 người có công đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc người có công miền Trung, Trung tâm Bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công tỉnh Phú Yên, đồng thời tổ chức thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình 1.293 người.

Thị xã Gia Nghĩa thực hiện chi trả chế độ cho người có công

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có 1.139 gia đình được hỗ trợ kinh phí làm nhà; 610 gia đình chính sách được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ khác ngoài ngân sách với tổng kinh phí 19 tỷ đồng. Với việc được hỗ trợ xây dựng nhà ở, các gia đình chính sách, có công với cách mạng đã từng bước có nơi ở ổn định, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 14.000 hồ sơ người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi một lần và hàng tháng; trong đó có 3.145 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 668 thân nhân liệt sĩ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ.

Đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa”

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng được các cấp, các ngành và toàn xã hội thường xuyên quan tâm. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đều có các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” thiết thực như ủng hộ kinh phí xây nhà, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, nhận kết nghĩa và chăm sóc gia đình có công hoàn cảnh khó khăn…

Điển hình, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, UBND tỉnh và các ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị, nhiều cá nhân tặng quà tất cả gia đình người có công trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí trên 41,237 tỷ đồng. Trong đó, quà của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và chi từ ngân sách địa phương 31,337 tỷ đồng, huy động xã hội hóa trên 9,9 tỷ đồng.

Cán bộ, người dân thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Theo bà Châu Thị Đào, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐTB-XH), công tác xác nhận, quản lý và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng đòi hỏi phải thực hiện kỹ lưỡng, đúng đối tượng và luôn được ngành phối hợp với các cấp, ngành liên quan nỗ lực thực hiện kịp thời. Thời gian qua, ngành đã chú trọng tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản để cán bộ làm công tác giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ở các địa phương thực hiện đúng, kịp thời. Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã huy động được ủng hộ tích cực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh, góp phần làm những phần việc có ý nghĩa đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Qua đó, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ngày càng ổn định cuộc sống, có điều kiện để vươn lên.

Các hoạt động, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” cũng được gắn với giáo dục, tuyên truyền về truyền thống, công lao của các thế hệ cha anh, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO