Đắk Nông sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động (kỳ 4): Tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong sắp xếp bộ máy

Hoàng Hoài - Vũ Trang| 05/09/2019 14:49

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Bộ máy được sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và phân công các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì thực hiện từng nội dung cụ thể.

Một số cấp ủy chủ động đề ra chủ trương, mô hình thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Quá trình sắp xếp bộ máy bên trong ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản được sự đồng thuận, thống nhất cao của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức.

Đội ngũ cán bộ cấp thôn ở huyện Đắk Song vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng địa phương ngày càng phát triển (Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N'drung (bên phải) thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân)

Qua 2 năm triển khai, việc sắp xếp bộ máy trong tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, Tỉnh ủy đã phê duyệt 15 đề án sắp xếp, tinh gọn khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể và chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh phê duyệt 21 đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh. Có thể kể đến như như việc sáp nhập Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh giảm 51 đầu mối, 78 lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban, chi cục và tương đương; giảm 35 phòng và 72 lãnh đạo cấp phòng trong chi cục, ban thuộc các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giải thể văn phòng trực thuộc các ban đảng và chuyển giao bộ phận kế toán, lái xe, tạp vụ về Văn phòng Tỉnh ủy để thực hiện nhiệm vụ phục vụ chung kể từ 1/10/2018; qua đó giảm 12 lãnh đạo cấp phòng…

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cấp tỉnh đã giảm được 60 đơn vị; đồng thời cơ bản sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp-PTNT, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ…Như vậy, sau 2 năm, toàn tỉnh đã giảm được 78 phòng, ban, chi cục và tương đương cấp tỉnh, 118 lãnh đạo cấp phòng và tương đương, trong đó có 52 cấp trưởng, 66 cấp phó.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết số 18, ngày 12/6/2018 về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 301 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và 1.875 người ở thôn, tổ dân phố so với trước. Đây là bước đi chủ động của tỉnh và phù hợp với chủ trương của Trung ương khi khuyến khích kiêm nhiệm để có thể tăng thu nhập cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã, cấp thôn.

Thị ủy Gia Nghĩa là đơn vị duy nhất thực hiện mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thị xã. Ảnh: Thường vụ Thị ủy Gia Nghĩa công bố quyết định về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 18

Những khó khăn, hạn chế sau sắp xếp

Sau một thời gian, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Các chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị được điều chỉnh, bổ sung, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng chuyên môn, chính trị, đạo đức và hiệu quả làm việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giám đốc Sở Y tế trao Quyết định của UBND tỉnh về sáp nhập, thành lập Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là các cấp, ngành, đơn vị mới tập trung vào những vấn đề đã rõ, chưa mạnh dạn thực hiện các mô hình thí điểm. Như mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện mới chỉ có 4/8 huyện, thị xã thực hiện.

Mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn chậm so với chủ trương chung, chỉ có duy nhất thị xã Gia Nghĩa đã thực hiện. Mô hình bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc UBND các cấp chưa được mở rộng. Hiện nay, tỉnh chỉ có 3/8 huyện ủy, thị ủy và 37/71 xã, phường, thị trấn đã thực hiện mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; 4/71 bí thư đảng ủy cấp xã đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã.

Chưa kể, việc bố trí chức danh kiêm nhiệm, người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì chưa thực hiện được. Sau sắp xếp lại bộ máy cấp thôn, bon, tổ dân phố, do một người đảm nhận một lúc nhiều việc, trong khi chế độ, chính sách chưa kịp thời nên xuất hiện tình trạng cán bộ sau sắp xếp nghỉ và đang xin nghỉ. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cũng như hoạt động của các thôn, bon.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân của những hạn chế này là do một số quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chưa được Trung ương kịp thời sửa đổi và ban hành, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Một số chủ trương thực hiện thí điểm chưa có tiền lệ, chưa có mô hình được kiểm chứng để học tập, rút kinh nghiệm. Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo các cấp, nhất là cấp cơ sở còn trông chờ, ỷ lại vào chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của cấp trên.

Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương còn tâm lý e ngại trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nên chưa thật sự quyết liệt thực hiện. Các chế độ, chính sách hỗ trợ của địa phương nhằm tạo động lực trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở các cấp chưa kịp thời cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn sau sắp xếp, tổ chức hoạt động.

Sau khi nhận Quyết định sáp nhập, Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã tiến hành bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, nhiệm kỳ 2015-2020

Cần quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Nghị quyết 18 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân. Việc thực hiện tốt nghị quyết sẽ góp phần không nhỏ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, khắc phục những nút thắt trong quản lý, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân về sắp xếp bộ máy. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị còn trông chờ hoặc thiếu kiên quyết trong thực hiện, các cấp, ngành, địa phương cần đề cao và gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện, coi kết quả thực hiện nghị quyết là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại hàng năm.

Bên cạnh việc sáp nhập thôn, tổ dân phố và tinh giảm người hoạt động không chuyên trách cấp xã và cấp thôn thì cũng cần xây dựng chế độ, chính sách phù hợp để giữ chân cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện các mô hình như bí thư đảng ủy cấp xã đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Cùng với đẩy mạnh thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư; khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng không phải là đảng viên; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của mình bảo đảm theo quy định.

Bí thư Huyện ủy Đắk Song Phan Văn Hợp cho biết:

Các cấp, ngành cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho cán bộ sau sắp xếp, nhất là cán bộ kiêm nhiệm nhiều vai trò mới. Khi chưa có chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ cấp thôn sau sắp xếp, các cấp ủy, chính quyền, địa phương cần có sự quan tâm, khích lệ, thường xuyên làm công tác tư tưởng để họ an tâm công tác, cống hiến cho địa phương, nhất là tránh tình trạng nghỉ việc ngay sau sắp xếp.

Cũng theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, bên cạnh sự quyết liệt, nỗ lực của tỉnh thì Trung ương cần tổ chức những hội nghị chuyên đề bàn về việc triển khai thực hiện các mô hình thí điểm trong sắp xếp tổ chức bộ máy ở các cấp để tạo sự thống nhất trong nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện ở các cấp ủy địa phương. Cùng với việc sớm hướng dẫn để triển khai thực hiện thống nhất một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, cán bộ, Trung ương sớm ban hành quy định mới thay thế Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27/12/2003 và Quy định số 282-QĐ/TW ngày 1/4/2015 của Ban Bí thư để địa phương làm căn cứ sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cũng như phân bổ biên chế, xác định vị trí việc làm của cơ quan chuyên trách tham mưu cấp ủy cấp huyện và cơ quan Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện…

Các ngành dọc ở Trung ương cần nhanh chóng có hướng dẫn, phê duyệt các đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đối với các cơ quan thuộc ngành ở địa phương để thực hiện cho đồng bộ với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động (kỳ 4): Tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong sắp xếp bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO